có tình yêu của cô Măng dành cho ông Đoành. Còn ông Đoành thì không.
Và tất nhiên phải có sự hiến dâng, không gì khác là thân xác. Cô Măng đã
hiến dâng thân xác với niềm hy vọng mong manh. Ngay khi cô mang thai
thì có một người con gái khác ở nước Nga xa xôi trở về. Người làng đã
muốn gán người trai tên Đoành ba mươi hai tuổi với cô gái giàu có đó, đây
là một đám môn đăng hộ đối, chứ không phải cô gái mò cua bắt ốc nghèo
hèn kia. Tài sản của cô Măng còn lại là ký ức cũ mèm của người mẹ, hình
ảnh nghèo nàn trong cuộc đời bà, và cả khuôn mặt khắc khổ nữa. Ngoài ra,
còn có một ngôi nhà nhỏ bằng vách đất phía cuối làng. Ông Đoành đã bỏ
rơi cô Măng và cưới cô gái giàu có kia.
Sự mặc cảm đã phần nào giữ cô Măng mãi ở cái vị thế nghèo hèn này.
Một số người biết chuyện ông Đoành làm với cô, nên ngày đó ầm ĩ làng vì
chuyện sinh đẻ của cô Măng. Ông Đoành không mảy may một trách nhiệm
nào. Một vài bà là bạn của bà Còng mẹ cô ngày trước xui cô nên làm to
chuyện này. Nhưng cô đã im lặng. Sau đó cô bị luồng gió khinh miệt của
người làng nổi lên và xua đuổi. Ông Đoành cho rằng những dư luận đáng
ghét kia là do cô Măng gây ra, ông đã thẳng tay coi đó là người con gái
lẳng lơ, vu oan. Người ta đứng về phe ông, vì gia đình ông có thế lực. Kết
quả là cô Măng bị cấm không được về làng. Cô an cư ở chỗ mùa thu, một
gò đất hoang liêu giữa đồng xa.
Vậy vì sao có chuyện bệnh hủi ở đây. Bạn sẽ không phải đợi lâu. Ngày
đó, cô Măng sinh con, khó khăn bủa vây. Bệnh tật thi nhau tấn công cô.
Tình yêu con đã giúp cô vượt qua tất cả. Những mụn nhọt trên mặt cô
Măng đã biến thành bệnh hủi khi cô về chợ mua đồ cho con. Người đó tung
tin cô bị hủi. Và sự nghiệt ngã đó, cộng thêm những khinh miệt trước đó,
vô tình đã vẽ vào đời người đàn bà cực khổ này căn bệnh quái ác. Nó càng
ngày càng lớn lên. Người ta càng lấy cớ đó để xa lánh con bệnh. Đời hai
mẹ con trượt dài trong tăm tối, càng xa Con Người.
***