Vùi mình vào những xác bò, với thịt, với xương, với máu me be bét,
nhưng đầu óc tôi luôn hiện hữu hình ảnh Loan tội nghiệp, là nạn nhân của
cuộc thí mạng cho tiền tài. Người đời nghĩ cô sướng, cô tiểu thư, nhưng có
ai biết thực hư thế nào. Cô có là người hạnh phúc không?
***
Năm sau, tôi đỗ đại học, bỏ lại lò mổ và những ám ảnh của máu, sự
giết chóc của con người với những chú bò hiền lành. Hồn tôi thấm đẫm tình
cảm dạt dào với cô chủ nhỏ trên xe lăn. Đó có thể là một tình thương, hay
chỉ là một chút cảm mến. Không biết nữa. Và đêm đêm, tiếng đàn của cô
vẫn ngân lên. Loan đã học được những bản nhạc của Bach, Beethoven,
Mozart… và cô đang bưng bít lòng mình trong mớ nghĩ suy tiêu cực.
Ở phố, tôi vùi mình vào bài vở, những trình học nặng nề và cần mẫn
làm thêm. Tối đến, tôi lại dành thời gian gọi điện cho Loan. Cô có điện
thoại cầm tay riêng và chúng tôi có thể nói chuyện bất cứ lúc nào. Lời nói
của cô ngấm nỗi buồn của một con thiên nga gãy cánh. Tôi hiểu và thương
hơn. Tôi biết, trên căn gác ở ngôi nhà có lò mổ ấy, Loan rất mong điện
thoại của tôi.
- Em phải làm sao hả anh? Sao em không chết quách đi cho rồi. Sao
con bò ấy không giết em đi cho em khỏi nhục nhã?
Loan cũng kể, gã nghiện con cán bộ huyện đã cưới một đứa con gái
khác và chẳng hạnh phúc. Tôi động viên, an ủi cô và kể cho cô nghe về số
phận mình. Không thể đi bằng hai chân trên mặt đất, nhưng người ta có thể
đi bằng tinh thần quật cường. Thời gian vèo trôi, tôi qua năm thứ nhất. Một
hôm, tôi nhận được điện thoại của Loan, gọi tôi đến Trung tâm trẻ em
đường phố. Tôi đến, Loan tự tin trước đám trẻ. Cô như một ngôi sao trong
đám trẻ lang thang được tụ tập về mái ấm này. Cô dạy chúng chữ, cắm hoa
nghệ thuật và hát. Khi tôi ngồi yên vị ở một chiếc ghế, Loan cất tiếng hát
và đám trẻ vỗ nhịp tay làm nhạc: “Tuổi xuân qua đi, tuổi xuân trôi đi. Một