xô đám người chạy loạn xạ. Giữa lúc Loan đau đớn ngất đi, thì chân chú bò
đá trổ đúng vào xương sống cô. Sau tai nạn nghề nghiệp kinh hoàng đó,
Loan hoàn toàn tàn phế. Gia đình dù tốn kém tiền của tìm thầy tuyển thuốc,
chẳng những không thực hiện được ước mơ giảng đường, Loan phải gắn bó
với chiếc xe lăn và sống trong nỗi thảm bại của một người từng tự tin với
lực học của mình.
***
Giữa lúc 12 giờ đêm, khi tôi và những gã đồ tể đến lò mổ thì trên gác
hai, tiếng đàn du dương vẫn ngân lên, xua tan không khí nặng nề của bóng
đêm trong ngôi nhà chỉ thấy sự giết chóc. Tiếng đàn của cô chủ nhỏ, nghe
xa xót ủ dột não nề. Tôi hiểu những tâm sự trong tiếng đàn ấy. Tiếng đàn
của một tuổi xuân bị kìm nén, một tâm hồn vừa trống tênh vừa tuyệt vọng.
Bà chủ bảo: “Con bé ngày đêm đàn với nhạc, chả hiểu lấy sức đâu. Từ ngày
bị liệt là đòi mua bằng được cây piano mới đó. Thế là mất lấy chồng.”.
Bỗng nhiên tôi căm bà chủ, căm những người mẹ vô lương tâm như
bà. Lẽ ra, Loan có thể thi đỗ vào một trường đại học nào đó như mong
muốn, rồi làm công việc cô thích. Chính những người cha người mẹ như
thế đã giết chết tâm hồn của con cái.
Một đêm, tôi đến sớm hơn thường lệ và leo lên gác hai. Loan nhìn tôi,
ánh mắt vừa như xua đuổi, vừa như trì níu. Tôi trân trân đứng nhìn cô, nhỏ
bé và yếu đuối, nhưng trong không gian cây đàn, cô là cô chủ thánh thiện.
Ít nhất là trong trái tim tôi.
- Anh có thể nghe em tâm sự được không?
Thốt nhiên, Loan nói, như thể chẳng có ai chia sẻ được những gì đang
ngổn ngang trong lòng, và tôi lúc này, như cơn mưa rơi đến khu vườn khô
khát. Tôi nói không hề gì. Loan bảo tôi ngồi xuống một chiếc ghế nhựa. Cô
bắt đầu nói: