- Là để có tiền đi học ôn và thi tiếp - Tôi nói - Anh học trước em ba
năm nhỉ?
Cô gái gật, đưa cuốn vở lên ngang mặt, bỗng dưng bần thần:
- Bố mẹ chỉ cho em học hết cấp, còn không được thi. Mẹ đã xé hai bộ
hồ sơ của em đấy, nhưng em vẫn giấu mẹ làm bộ khác và đi học thêm. Nếu
em thi đỗ, em sẽ bỏ nhà để đi học.
Sự quyết tâm của cô khiến tôi nể phục, kèm theo một nỗi lo. Mẹ cô là
người đàn bà phồn thực, gắn với nghề đồ tể lâu ngày, vàng đeo từ đầu đến
chân, chắc chẳng bao giờ tha thiết với chữ nghĩa. Một người làm thuê khác
từng nói ngày xưa bà cũng chỉ cần học cho biết đếm tiền là được. Độ hai vợ
chồng bà chủ cãi nhau, họ định chia của, đống vàng trong tủ bưng ra, phải
đong bằng bát con. Vậy thì làm sao họ chấp nhận cho con học. Nhưng tôi
vẫn động viên:
- Em có quyết tâm cao đấy.
Chúng tôi bước vào lớp học. Những con số, công thức ngấm dần vào
đầu tôi, vào những tâm hồn non nớt và nhiều khát vọng. Tôi thấy Loan lắng
nghe chăm chú và chắc chắn rất hiểu bài. Những ngày sau, ban ngày tôi vẫn
đến lớp học ôn gần trường cũ, ban đêm đến lò mổ.
Thời gian trôi bằng tiếng ngã uỵch của những con bò sau khi bị gí
điện. Kỳ thi đại học của Loan đã đến, còn tôi đợi năm sau. Nhưng việc làm
của Loan bị cha mẹ phát hiện. Cô bị mắng mỏ, đay nghiến, bị cấm cửa ở
nhà. Cô khóc cạn nước mắt, khóc trong nỗi đau đớn cùng những chú bò bị
xẻ thịt. Trong cơn bĩ cực nào đó của tuổi trẻ, Loan vào lò mổ, cầm lấy sợi
dây điện để gí vào chú bò, chờ chú ngã vật ra là những tay đồ tể khác xông
vào, cắt tiết, lột da… Vì non tay nên Loan đã không thành công. Cô bị chú
bò điên lên húc tung người, cô hét toáng. Một cú xộc thẳng điên dại, cô bật
lên rồi rơi xuống. Cảm giác mọi cái xương gãy vụn. Chưa hết, con bò còn