chồng. Một lần, chị dịu dàng hỏi lúc chồng đã nguôi nguôi, bất ngờ Lục
quắc mắt quát im. Chị vợ giật bắn thót tim miệng méo xệch khó hiểu. Tại
sao thế nhỉ? Không giải thích được. Đêm đến, hắn lại thô bạo phũ phàng đè
ngửa vợ ra thỏa mãn rồi nằm ệch khò khò ngáy mà chẳng đoái hoài đến
cảm giác của vợ như trước. Vợ Lục âm thầm chịu đựng, không dám nói
chuyện với bố chồng. Nhưng chị tin là ông bố có nhận ra những đổi khác
của con trai. Bằng chứng là mỗi lần ông nói gì, gã con trai tỏ thái độ hằm
hè tức tối. Còn mắng lại, bảo lúc nào bố cũng lải nhải thời hào sảng của bố
đã tít tắp mù khơi. Hắn phũ phàng nói bây giờ là thời của đĩ điếm, rượu chè
và trộm cắp. Ông Tuy bố Lục lúc ấy ớ người khó hiểu miệng chao chát
đắng. Thằng con còn phỉ nhổ vào thời của bố nó. Láo quá láo quá. Điều mà
trước đây con ông không hề làm. Nhưng với cách cư xử bây giờ, Lục đã
khiến ông Tuy tin là con trai mình đang hư hỏng. Mà ông nghĩ, chắc chắn
nó hư hỏng vì không có con. Ông Tuy và vợ Lục không biết hắn đã nuốt
tim rắn.
***
Ông Tuy mắt kèm nhèm chân chậm tính toán kém. Đúng hơn, ông đã
bị tuổi già xếp gọn ghẽ vào một chỗ. Cái thời khỏe mạnh cống hiến của ông
không còn. “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Đẹp đẽ lắm và hào sảng
lắm. Giờ lúc buồn, dù có lọc cọc đạp xe đi gặp mấy ông bạn cùng thời, làm
ấm trà, ôn lại chuyện cũ hoặc đánh ván cờ thì cũng chỉ vui được lúc đó.
Đêm về, ông lại bị những nỗi lo lắng muộn phiền hành hạ. Đã có lúc, ông
mong mình lại có chiến trường để mà đi, mà đánh giặc, mà sống cho thật
với mình. Thế rồi ông thấy mình lẩm cẩm thực sự. Cả dân tộc gian khổ, chỉ
mong ngày thắng lợi thống nhất đất nước, cho hòa bình yên ả cả từng đám
khói, lời ca tiếng hát. Thế mà ông lại mong có chiến trường. Vợ ông mất
cách đây mười năm, để lại thằng con trai năm tuổi èo uột da trắng bệch. Ba
tuổi mới biết đi mà khi biết đi thì cũng lạch bà lạch bạch, suốt ngày dúi dụi
ngã. Đầu gối lúc nào cũng tứa máu, vết thương chồng lên vết thương do
liên tục đo đất. Nó lại là thằng sở hữu mười hai ngón tay và mười hai ngón