MỘT
Thời gian bấy giờ là một buổi sáng đầu tháng hai năm 1954. Trên bầu
trời xám xịt mây đen la đà trên những dãy núi lượn khúc, dầy đặc cây rừng
của miền Thượng du Bắc phần, Chiếc Dakota của Không Lực Pháp đang
bay về hướng Điện Biên Phủ. Không trình từ Hà Nội đến cái vùng đèo heo
hút gió, nằm ở một góc hướng Tây Bắc, Bắc phần và sát với biên giới Lào-
Việt này phải mất một tiếng rưỡi mới tới nơi. Chính trong khoảng thời gian
này, Joseph phải co ro trên chiếc ghế sắt giữa các kiện hàng nào là gỗ ghép
hòm, các thùng nước vị thanh để tiếp máu, các bành lương thực và hàng
chục thùng bia Pháp, có lẽ không có trong danh sách liệt kê hàng hóa.
Nhìn vào tấm bản đồ trên gối mình, Joseph thấy lòng chảo Điện Biên
Phủ không khác gì một hoang đảo nhỏ được bao chung quanh bởi những
dãy núi đá vôi bất tận, xanh thẫm cây rừng với diện tích dài độ mười dặm
và ngang độ bốn dặm. Tiêu điểm của lòng chảo này là một ngôi làng nhỏ
của người thượng du mà Pháp đã chiếm hồi tháng mười một năm vừa qua
rồi biến thành một căn cứ địa cho mình. Chu vi phòng thủ căn cứ này rộng
đến ba mươi dặm. Kể từ đó, Pháp cho tăng cường quân số tại nơi này lên
đến mười ba ngàn người. Họ cũng cho thả dù xuống đây nhiều đại bác hạng
nặng, quân xa và cả chiến xa nữa. Từ trên buồng lái, viên phi công bỗng
quay người ra sau phi cơ, cất tiếng nói bằng một giọng đầy chua chát.
- Xin Monsieur hãy vịn vào ghế cho thật chặt đi. Muốn đáp xuống cái
bồn tiểu này, chúng tôi phải bay thật cao để tránh đạn phòng không của
Việt Minh, rồi từ trên cao theo vô tuyến điều khiển bên dưới, chúng tôi chúi
đầu qua các đám mây để đáp xuống.
Joseph thắt chặt dây lưng an toàn, nhoẻn miệng cười trước lời khôi hài
đen của viên phi công. Y đã dùng chữ “bồn tiểu” thô tục để chỉ nơi mà các