- Nào kéo mạnh lên, hãy kéo mạnh lên.
Ngô Văn Đồng hô to hiệu lệnh, và sau mỗi lần như vậy thì mọi người
trong đám cùng ra sức kéo sợi dây lên cao. Ai nấy đều ra sức chống chọi,
chân họ trượt lên, trượt xuống các ghềnh đá, cố ghì chặt sợi dây, từ đó khẩu
súng lần lần được nâng cao thêm lên.
Đã ba ngày qua, Đại Đội của Ngô Văn Đồng cố kéo khẩu đại bác này
lên đỉnh núi. Di chuyển từng tấc một và phải mất cả ngày tròn người ta mới
đem được khẩu súng này lên đến lưng chừng núi. Để cho công việc dễ dàng
hơn, người ta phải dùng tay không mở một đường mòn bằng cách đập bể
các tảng đá vôi lổm chồm tại các triền núi, trong khi một số người khác
phải thiết lập một lưới ngụy trang ngay bên trên con đường được thiết lập
bằng cách cho đan các cành cây đính vào nhau như một tấm lưới dầy.
Đây là khẩu súng cuối cùng trong số hai mươi bốn khẩu 105 ly mà Sư
đoàn 351 súng nặng của Tướng Giáp đã di chuyển qua suốt đoạn đường
năm trăm dặm trong rừng núi từ biên giới Trung Hoa tới Điện Biên Phủ
này mà không bị phát giác. Hai mươi ba khẩu súng khác đã được đem hết
lên chót núi cao. Chính Đại Đội của Ngô Văn Đồng được chỉ định để đem
khẩu súng sau cùng này. Đây là một vinh dự dành riêng để tưởng thưởng
công lao lãnh đạo anh dũng của Đồng trong các trận đánh trước đây. Đồng
và các binh sĩ trực thuộc đã quá mệt nhọc sau gần cả buổi sáng hì hục với
công việc nặng nhọc này. Sức lực và tinh thần của mọi người đều quá mệt
mỏi, ai ai cũng biết, là ít nhất cũng phải mất một ngày nữa họ mới có thể
đem khẩu súng này lên đến nơi đặt súng đã được một toán đặc công dọn
sẵn từ trước trên đỉnh núi. Đồng phải thương lượng với Đào Văn Lạt để xin
cho binh sĩ được nghỉ tay.
Binh sĩ thuộc quyền của Ngô Văn Đồng hầu hết là những thanh thiếu
niên trên dưới mười bốn hoặc mười lăm tuổi. Ngay khi được lệnh nghỉ để
ăn cơm thì ai nấy đều nằm soãi người dài theo triền núi, mệt lã. Phải một
lúc lâu sau, họ mới có sức chồm dậy để quơ lấy phần cơm vắt nhai ngấu