BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 103

THIỀN ĐỐN NGỘ

Thiền đốn ngộ là lối tu trực ngộ bản tâm, gọi là Kiến tánh khởi tu. Không có đề

mục, không có phương pháp, không có sở chứng sở đắc, chỉ mê là chúng sanh, ngộ là
Phật nên nói “Kiến tánh thành Phật”. Lối tu này không tu mà tu, không chứng mà
chứng. Bởi vì khi hành giả trực nhận bản tâm, biết rõ nơi mình có cái không sanh
không diệt, mà từ thuở nào mãi chạy theo cái tâm sanh diệt tạo nghiệp luân hồi. Ngang
đây biết rõ bộ mặt sanh diệt của nó, không chạy theo nữa, khi nó dấy lên không cho
nối tiếp, không khởi thì lặng yên đừng dấy niệm. Tổ Lâm Tế nói: “Đã khởi chớ tiếp
nối, chưa khởi chẳng cần dấy khởi, còn hơn ông hành cước mười năm.” Cổ Đức cũng
nói: “Chớ sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm.” Thiền sư Vô Nghiệp suốt đời chỉ dùng một
câu “chớ vọng tưởng” trả lời tất cả câu hỏi của Thiền khách.

Có người bảo lối tu này là “Tảo niệm” (quét sạch niệm), song khi ngồi thiền

quét, lúc tiếp duyên, xúc cảnh thâu lại. Cứ quét rồi thâu đến bao giờ mới hết niệm?
Đúng thế, nếu người tu chỉ biết quét khi ngồi thiền, lúc ra ngoài thì thâu lại, thật là
gian nan cho lối tu này. Song ở đây không phải vậy, khi ngồi thiền không theo niệm,
lúc ra ngoài thấy các pháp đều duyên hợp hư dối như huyễn hóa không có một pháp
đáng lưu tâm, thì làm gì có thâu, ví như người đi chợ, cô ta dạo qua các cửa hàng chen
chúc với bao nhiêu người qua lại trên đường phố, nhưng không có vật gì và người nào
đáng cho cô để ý. Về đến nhà, người nhà hỏi: Đi chợ có thấy gì không? Cô đáp: không.
Có phải thật không thấy gì chăng? Hẳn không phải thế, chỉ không có gì quan trọng
đáng cô chú ý nên nói không thấy gì. Khi tiếp duyên xúc cảnh, hành giả thấy rõ các
pháp như huyễn hóa, tự nhiên không có gì đáng để thâu. Bên trong có bao nhiêu vọng
tưởng dấy lên đều không tiếp tục, lâu ngày tự hết.

Lại có người bảo “không theo niệm” nhẹ nhàng quá, nếu người tọa thiền bị hôn

trầm nặng nề làm sao đuổi được? Nếu khi hôn trầm nặng nề, hành giả chấn chỉnh thân,
mở mắt sáng mà không hết, nên khởi niệm tìm xem hôn trầm này xuất phát từ chỗ
nào? Tức là đặt câu hỏi: “Hôn trầm xuất phát từ chỗ nào?” Theo dõi lùng tìm nó thì
hôn trầm sẽ tan. Khi gặp tán loạn mãnh liệt cũng thế. Hành giả nên đặt câu hỏi: “Vọng
tưởng này xuất phát từ chỗ nào?” Tìm kiếm nó một lúc sẽ hết. Khi hôn trầm tan, vọng
tưởng lặng liền trở lại lối tu “không theo niệm” như trước.

Lối tu này cụ thể hóa bằng mười bức họa “Chăn Trâu Thiền Tông”. Mã Tổ hỏi

Thiền sư Thạch Củng: Ông làm gì đây? Sư đáp: Con chăn trâu. Mã Tổ hỏi: Chăn như
thế nào? Sư đáp: Mỗi khi nó chạy vào ruộng lúa thì lôi mũi kéo lại. Mã Tổ bảo: Thế là
ông chăn giỏi, chỉ chăn giữ không cho trâu xâm phạm mạ của người là biết chăn trâu.
Con trâu là tâm, chạy loạn vào lúa mạ là vọng khởi theo sáu trần, dừng lại không theo
là lôi mũi kéo về. Cứ thế mãi, giờ ngồi thiền chăn, giờ làm công tác chăn, giờ dạo chơi,
tiếp khách cũng chăn... không lơi lỏng. Thế nên nói, hái rau, chặt củi, nấu cơm, đều là
thiền. Chăn cho đến khi trâu không còn, người chăn cũng mất, đây là hoàn toàn an
định. Thiền sư Lương Giới tìm đến am tranh Hòa thượng Ẩn Sơn hỏi: Hòa thượng ở
đây làm gì? Ẩn Sơn đáp: Tôi thấy hai con trâu báng lộn nhau, chạy ùm xuống sông,
đến nay không có tin tức. Sư đắp y đảnh lễ. Đây là mục thứ tám trong mười mục chăn
trâu nhà thiền, trâu và chăn đều vắng bặt chỉ còn một vòng tròn trắng. Đến đây ý
nghiệp yên lặng không còn lôi kéo vào luân hồi sanh tử nữa. Nếu hàng Nhị thừa đến
đây là nhập Niết-bàn, vì đã dứt sạch nghiệp sanh tử.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.