BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 104

GIÁC NGỘ PHÁP THÂN

Dứt sạch nghiệp mới gọi là hết sanh tử, chưa phải thành Phật. Về các kinh A-

hàm đến đây là chứng Niết-bàn (Vô Sanh) của A-la-hán. Kinh Pháp Hoa Phật bảo là
Hóa thành không phải Bảo sở, về Thiền tông gọi đây là đất Vô sanh, là Tử thủy (nước
chết) là đầu sào trăm trượng, cần phải vượt qua mới được. Căn cứ vào mười mục chăn
trâu nhà Thiền, chỗ này mới là mục thứ tám chăn và trâu đều mất. Phải tiến lên mục
thứ chín là lá rụng về cội, nước chảy về nguồn mới được, mục này gọi là nhập Phật
giới hay nhập Pháp thân. Cần vượt lên mục thứ mười là buông lỏng tay vào chợ hay
nhập ma giới, mới vuông tròn công đức thành Phật. Dứt sạch nghiệp mới thoát khỏi
đau khổ trong sanh tử cho chính mình, song chưa đạt Pháp thân, chưa viên mãn công
đức cứu khổ chúng sanh, cần phải hòa quang đồng trần làm lợi ích tất cả chúng sanh
mới vẹn tròn công đức thành Phật.

THẦM NGỘ LÀ ĐỦ LÒNG TIN

Có người nghĩ, hành giả chưa trực ngộ bản tâm tu thiền đốn ngộ được chăng?

Trực ngộ bản tâm là chủ yếu của người tu thiền đốn ngộ. Song có người chưa ngộ mà
đủ lòng tin, tu vẫn được. Xem kinh, đọc luận, hỏi đạo, nghe giảng... thầm nhận mình
có bản tâm bất sanh bất diệt, khẳng định không nghi ngờ, người này tu thiền đốn ngộ
được. Thiền sư Pháp Thường đến hỏi Mã Tổ: Thế nào là Phật? Mã Tổ đáp: Tức tâm là
Phật. Sư thầm nhận, đến núi Đại Mai cất am tu. Sau Mã Tổ nghe, sai vị Tăng đến thăm
dò. Tăng đến hỏi Sư: Hòa thượng gặp Mã Tổ, được cái gì về ở núi này? Sư đáp: Mã Tổ
nói với tôi: tức tâm là Phật, tôi bèn đến ở núi này. Tăng thưa: Gần đây Mã Tổ lại nói
“Phi tâm phi Phật.” Sư bảo: Ông già mê hoặc người, chưa có ngày xong, mặc ông phi
tâm phi Phật, tôi chỉ biết tức tâm là Phật. Vị Tăng trở về thuật lại Mã Tổ. Mã Tổ nói
với đại chúng: Đại chúng, trái mai đã chín. Đây là tin nhận mình có bản tâm chân thật
một cách chắc chắn là tu thiền đốn ngộ hay chăn trâu được.

Hoặc giả nhận rõ vọng tưởng hư dối như sương như khói, không theo, không bị

nó dẫn, đến khi nó tan biến hoàn toàn, chân tâm hiển lộ. Ngài Huệ Khả sau khi được
Tổ Đạt-ma nhận làm môn đồ, Ngài hỏi Tổ: Tâm con chưa an, xin Thầy dạy con
phương pháp an tâm? Tổ Đạt-ma nhìn thẳng vào mặt bảo: Đem tâm ra ta an cho. Ngài
sửng sốt lặng tìm liền đáp: Con tìm tâm không được. Tổ Đạt-ma bảo: Ta đã an tâm cho
ông. Ngài Huệ Khả liền biết lối vào. Bình nhật chúng ta thấy tâm tưởng lăng xăng, khi
nhìn lại thì mất bóng bặt dạng. Thế là nó hư dối không thật. Biết rõ nó hư dối thì nó
không còn khả năng lôi cuốn dẫn dắt chúng ta nữa. Không chạy theo không bị dẫn,
chẳng an là gì? An tâm là nhìn thẳng bộ mặt hư dối của nó, nó tự tan biến, còn gì nữa
mà động. Thời gian sau, ngài Huệ Khả thưa Tổ Đạt-ma: Nay con bặt hết các duyên. Tổ
Đạt-ma bảo: Coi chừng rơi vào đoạn diệt. Ngài Huệ Khả thưa: Không rơi. Tổ Đạt-ma
hỏi: Thế nào không rơi? Ngài Huệ Khả thưa: Rõ ràng thường biết, nói không thể đến.
Tổ Đạt-ma nói: Đây là chỗ truyền của chư Phật, chớ có hoài nghi. Thế là, từ nhận biết
tâm bất an là hư dối, ngài Huệ Khả chăn nó đến lúc không còn tâm dạng là: “bặt hết
các duyên” chỉ còn lại cái: “rõ ràng thường biết” là chỗ chư Phật truyền nhau.

Có nhiều người học đạo đã thầm nhận mình có cái chân thật sẵn đủ, hoặc biết rõ

vọng tâm hư dối, mà vẫn chưa đủ lòng tin để tiến tu, họ cứ đòi phải ngộ mới tu được.
Quả thật họ đang đuổi theo cái ảo ảnh của danh từ ngộ. Đâu biết rằng tin chắc không
nghi là đã thầm ngộ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.