Không cách một sợi chỉ.
Biết dừng phiền não tức Bồ-đề, không phải nhọc nhằn tìm kiếm đâu xa. Bồ-đề
đã sẵn có nơi mình, do phiền não dấy khởi phủ che nên Bồ-đề bị ẩn khuất. Một khi
phiền não lắng xuống thì Bồ-đề hiện tiền. Chúng ta ôm đầy một bụng phiền não chạy
tìm Bồ-đề, dù chạy cùng ngàn sông muôn núi tìm vẫn không thấy Bồ-đề. Chỉ khéo
ngồi yên lại cho phiền não lắng xuống thì Bồ-đề hiện tiền.
Như khi trời đổ mưa to, nước mưa từ hư không mưa xuống là trong sạch, song
rơi đến mặt đất lôi cuốn bụi bặm bùn đất chảy xuống ao hồ, thấy toàn nước đục. Có
người cần nước trong xài, ra ao hồ nhìn thấy toàn nước đục không biết làm sao. Gặp
người thông minh bảo: nước đục tức là nước trong, anh ta ngẩn ngơ không hiểu, ông
này bảo: Anh cứ gánh về đổ vào lu, lấy ít phèn quậy nhiều vòng cho nước cuồn lộn
lên, rồi để yên vài tiếng đồng hồ, cặn bụi lắng xuống nước sẽ trong. Anh chàng kia làm
đúng như người thông minh dạy, kết quả anh được nước trong.
Bởi vì nước mưa nguyên là trong, do bụi đất cuốn theo và hòa tan trong nước
nên trở thành đục. Kẻ khờ thấy nước đục khác với nước trong, tưởng chừng như nước
trong ngoài nước đục mà có, nên khi cần nước trong thấy nước đục là thất vọng, không
biết phải tìm nước trong ở đâu. Người trí biết nước mưa vẫn trong, do bụi đất hòa lẫn
nên đục, chỉ cần lóng bụi đất trở thành nước trong. Vì thế, khi thấy nước đục, họ vẫn
quả quyết nói “nước đục tức là nước trong”. Chữ tức ở đây để chỉ nước trong không cố
định trong, do duyên hợp thành đục; nước đục không cố định đục, do duyên lóng thành
trong. Nước đục không ngoài nước trong mà có; nước trong không thể bỏ nước đục mà
tìm. Bồ-đề và phiền não cũng thế, phiền não không cố định phiền não, do duyên hợp
thành phiền não, Bồ-đề không cố định Bồ-đề, do duyên lóng sạch thành Bồ-đề. Bồ-đề
không ngoài phiền não mà có, phiền não không ngoài Bồ-đề mà sanh. Bỏ phiền não
chạy tìm Bồ-đề như người lưới cá trên không, bẫy chim đáy biển, rốt cuộc chỉ phí công
vô ích.
Nước đục lóng thành nước trong, trẻ con thấy mới được nước trong, người lớn
biết nước trước nguyên trong, nay lóng trở lại trạng thái cũ, có gì là “được”. Nếu trước
nước vốn đục, nay lóng mấy cũng không trở thành trong. Cũng vậy, nếu tất cả chúng
sanh không có sẵn tánh giác, dù có tu hành đến đâu cũng không thể giác được. Chư
Phật, Bồ-tát trước cũng là chúng sanh, các Ngài tu hành đã giác ngộ được, tất cả chúng
ta nếu biết tu hành chắc chắn sẽ giác ngộ như các Ngài. Vì thế, chư Phật thấy rõ tất cả
chúng sanh đều có tánh giác, vì vô minh phiền não che đậy trở thành mê, một khi khéo
tu lóng sạch vô minh phiền não liền trở lại giác. Từ mê sang giác, chúng sanh tưởng là
mới được, nên thấy có chứng có đắc. Chư Phật biết rõ chỉ trở lại tánh giác sẵn có, nên
nói vô chứng vô đắc. Vô chứng vô đắc không có nghĩa là không ngơ, mà không còn
mê, hằng sống lại tánh giác của mình. Cái đã sẵn có, trở lại với nó có gì thêm bớt mà
nói chứng đắc. Tuy không chứng đắc mà hằng giác chẳng mê, làm sao nói không ngơ
được?
Biết trong nước đục vốn là nước trong, nước đục khéo lóng sẽ thành nước
trong, đó là cái thấy của người thông minh. Đức Phật cũng thế, Ngài thấy tất cả chúng
sanh đều sẵn có tánh giác, dù đang mê tánh giác cũng không mất, nên nói “Ta thấy tất
cả chúng sanh đã thành Phật”. Lại có khi Ngài nói “Ta là Phật đã thành, các ông là
Phật sẽ thành”. Bởi chúng ta đã sẵn tánh giác, một khi thức tỉnh huân tu tánh giác sẽ
hiển hiện, việc này không có gì là lạ. Câu Phật nói trước có vẻ khó hiểu, đã thành Phật
tại sao chúng sanh vẫn mê muội loạn cuồng. Bởi vì Phật cũng là một chúng sanh như