Chúng sanh một bề chạy theo ngoại cảnh quên bẵng bản tâm. Chỉ cầu hỏi hạt
châu trong tay Bồ-tát Địa Tạng, quên lửng trong tay mình sẵn có hạt châu. Hạt châu ấy
theo dõi chúng ta như bóng theo hình, mặc dù ta lăn lộn sáu đường, lang thang trong
tam giới, hạt châu hằng có mặt trong túi áo chúng ta. Chúng ta si mê bỏ quên nó, như
chàng Diễn-nhã xem gương thấy bóng đầu mặt hiện trong gương, úp gương lại bóng
đầu mặt mất đi, hoảng la lên “tôi mất đầu”. Chàng ta phát cuồng ôm đầu chạy la “tôi
mất đầu”. Tất cả chúng ta cũng thế, hằng ngày cứ chạy theo vọng tưởng suy tính, có nó
là có mình, một khi vọng tưởng lặng xuống, hoảng la “mất mình”. Vọng tưởng là cái
chợt sanh chợt diệt, không cội gốc nơi chốn, mà chấp là thật mình. Khi vọng tưởng
lặng xuống, mọi công dụng thấy nghe hiểu biết vẫn nguyên vẹn, mà nói “mất mình”.
Thử hỏi ai là kẻ biết mất mình?
Khéo
nhận ra ông chủ mới khỏi bị khách trần lừa gạt. Thiền sư Pháp Diễn nói:
“Ta có một vật chẳng thuộc phàm chẳng thuộc thánh, chẳng thuộc tà chẳng
thuộc chánh, muôn việc khi đến tự nhiên hiệu lệnh.”
Ông
chủ của chính mình là thực thể tuyệt đối, không còn thấy có hai bên phàm
thánh chánh tà đối đãi. Tuy không có niệm phân biệt đối đãi, song xúc duyên chạm
cảnh liễu tri rành rõ. Ông chủ này chưa từng sanh chưa từng diệt, nên gọi là pháp thân
bất diệt. Bởi không sanh diệt, nên chân thật thường hằng, mà không có tướng trạng,
thường ví như hư không. Từ Pháp thân nhìn ra thân tâm vạn vật đều thấy tạm bợ giả
dối, không có bằng mảy tơ sợi tóc nào chân thật, nên nói: như bọt, bóng, sương mù,
điện chớp... Đi đứng nằm ngồi đều sống với ông chủ này là tu thiền Vô sanh.
Thiền sư Sư Nhan ngồi một mình trên tảng đá, thỉnh thoảng gọi: “Ông chủ
nhân!” Tự đáp: “Dạ!” Bảo: “Phải tỉnh tỉnh đừng để người lừa!”
Tự gọi tự đáp dường như việc đùa cợt chơi. Chính là lối tu tự nhắc mình không
quên ông chủ. Đừng để ngoại cảnh đánh lừa, hằng tỉnh sáng với ông chủ ngàn đời của
mình. Quả là pháp tắc muôn đời cho những người biết sống trở lại mình. Biết trở lại
mình là về quê hương, là đến Bảo sở, là Cùng tử được cha trao sự nghiệp, là Niết-bàn,
là giác ngộ, là giải thoát... Trăm ngàn danh từ khác nhau đều chỉ một việc “trở về với
mình”. Đúng với câu “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Bởi vì trở về được với
mình, là muôn việc bên ngoài đều theo đó giải quyết xong.
Pháp
thiền này có đặt thời khóa tu tập cố định không?
Thiền này không đặt nặng thời khóa (chỉ tùy hoàn cảnh thuận tiện), mà chú
trọng tâm niệm. Trong tất cả thời, mọi hoạt động đi đứng ngồi nằm, làm việc nghỉ
ngơi, cần thấy rõ từng tâm niệm của mình, để không theo, hoặc hằng sống với ông chủ,
không bị ngoại duyên lôi cuốn. Những phút giây nào quên lửng tâm niệm mình, coi
như phạm tội buông lung đáng trách. Cho nên nói “đi đứng, nói nín, hái củi, lặt rau,
thổi lửa, nấu cơm đều là thiền”. Người tu thiền này, mới nhìn dường như họ thong thả
lơi lỏng, thật ra họ miên mật từng tâm niệm. Thiền này là cội gốc thành Phật tác Tổ.
Một hôm, Vương Thường Thị vào thăm Thiền viện của Tổ Lâm Tế, đến nhà
Đông sang nhà Tây, thấy chúng đông đảo, ông hỏi Tổ Lâm Tế:
-
Chúng
đông đảo thế này, có dạy tụng kinh, tọa thiền chăng?
-
Không.
-
Dạy họ làm gì?