PHÁP TU CĂN BẢN CỦA PHẬT TỬ (PHẬT PHÁP
HÓA NHÂN GIAN)
Đa số người xưng là Phật tử mà không biết rõ đường lối tu hành, ai bày sao làm
vậy, trở thành mê tín sai lầm, khiến người đời phê bình đạo Phật là huyền hoặc, là vô
ích. Để bổ cứu những sai lầm ấy, chúng ta phải biết rõ đâu là pháp tu căn bản phải
hành, đâu là lối tu siêu thoát phải đến. Ứng dụng Phật pháp ngay trong cuộc sống thực
tế của chúng ta, để minh chứng rõ ràng đạo Phật cứu khổ thật sự, đạo Phật mang hạnh
phúc cụ thể lại cho con người. Được thế, chúng ta mới khỏi hối hận là đệ tử của Phật
mà làm nhục nhã cho đạo Phật.
PHÁP TU CĂN BẢN
Bước đầu trên đường tu hành của người Phật tử, phải “chuyển ba nghiệp ác
thành ba nghiệp lành”. Ba nghiệp là thân miệng ý của chúng ta. Khi xưa chưa biết tu,
chúng ta buông lung thân miệng ý làm những việc xấu xa tàn bạo độc ác. Đã tạo những
điều xấu xa tàn bạo độc ác là làm đau khổ cho mình, cho người, cho gia đình, cho xã
hội. Những kẻ cướp của giết người sớm muộn gì cũng ngồi khám, cha mẹ vợ con ở
nhà đau khổ, gia đình của nạn nhân cũng khổ đau, chánh quyền cũng phải bận tâm
điều tra truy nã. Chỉ một việc làm cuồng dại độc ác của một vài người, khiến guồng
máy xã hội bị rối bời. Hành động ấy gọi là tạo nghiệp ác. Ngày nay biết tu, chúng ta
chuyển thân miệng ý làm việc tốt đẹp thanh cao hiền thiện. Thấy người trên đường bị
tai nạn xe cộ, mà không có thân nhân, chúng ta thành thật xót thương, dùng lời hiền
hòa an ủi, đích thân săn sóc chở đến bệnh viện... đây là tạo nghiệp lành. Làm được
việc lành bản thân chúng ta đã vui, người bị tai nạn cũng bớt khổ, người chung quanh
trông thấy cũng tán thành. Hành động lành này là cụ thể xây dựng xã hội tốt đẹp. Hành
động xấu mà cứ lặp đi lặp lại mãi là nghiệp ác, vì đã thành thói quen khó sửa đổi. Ví
như người uống rượu, uống một vài lần không thành ghiền (nghiện), ngày nay uống
ngày mai uống, uống nhiều ngày như vậy thành người ghiền rượu. Cái ghiền là thói
quen, gọi là nghiệp. Người thấy ai thiếu thốn liền giúp đỡ, lúc nào cũng thế, lâu ngày
thành thói quen là nghiệp lành. Cũng là thói quen, một thói quen đưa đến đau khổ, một
thói quen khiến đến an lạc. Vì thế, người Phật tử phải tránh thói quen đau khổ, phải tạo
thói quen an lạc, đó là tu chuyển nghiệp ác thành nghiệp lành. Kẻ ngu muội mới tìm
hạnh phúc trên đau khổ của người khác, người sáng suốt chỉ thấy hạnh phúc khi giúp
người khác hết khổ.
QUAN NIỆM SAI LẦM
Có
nhiều Phật tử phát tâm qui y chỉ vì cầu cho gia đình bình an, cuộc sống được
mọi sự như ý. Vì thế, gia đình có người bệnh hoạn hay xảy ra tai nạn gì thì thỉnh thầy
cầu an. Nếu thầy bận việc không đi thì phiền não, giận không đi chùa. Trong cuộc sống
gặp nhiều điều bất như ý thì buồn, cho rằng Phật không hộ độ. Nghe miếu Bà, miếu
Ông nào linh ứng liền đến đó cầu xin. Chỉ vì mong được bình an mà đi chùa, đến với
đạo, khi mục đích ấy không thành thì họ bỏ đạo dễ dàng. Lại có những người sau khi
qui y rồi thì mọi việc đều giao phó cho thầy, cất nhà cũng thỉnh thầy coi ngày, gả cưới
con cái cũng thỉnh thầy xem tuổi, đau ốm bệnh hoạn cũng thỉnh thầy cầu an, ma chay