hành động của mình, một phút giây lơi lỏng, bọn giặc phiền não nổi dậy, phải bị mất
giới thân tuệ mạng. Do đó, không thể chỉ tu trong giờ tụng kinh, niệm Phật, ăn chay
mà phải tu trong mọi lúc mọi giờ. Được vậy mới mong chiến thắng bọn ma quân.
Tu là dẹp bỏ những thói hư tật xấu, tuổi trẻ chưa tập nhiễm những cái dở ấy,
ngang đây biết tu thì dễ biết dường nào. Người chưa biết uống rượu, không tập uống
rượu thật là dễ. Người đã ghiền rượu, bỏ không uống rượu là thiên nan vạn nan. Biết tu
từ thuở nhỏ thì thuận lợi dễ dàng biết mấy, để đa mang nhiều bệnh nhiều tật rồi mới tu,
thật là khó khăn trăm bề. Song người có ý chí mãnh liệt thì cái khó nào cũng làm được.
CỤ THỂ HÓA PHÁP TU CĂN BẢN
Để cụ thể hóa pháp tu căn bản này, đức Phật bắt buộc người Phật tử sau khi qui
y Tam Bảo phải thọ trì năm giới. Trong năm giới ba giới đầu là giữ thân không tạo
nghiệp ác, hai giới sau giữ khẩu không tạo nghiệp ác. Thế là, người Phật tử chỉ mới
chuyển hai nghiệp. Chuyển hai nghiệp thôi, mà công hiệu lợi ích đã to lớn lắm rồi.
Như người không sát sanh, là không giết người (chỉ trừ trường hợp nghĩa vụ quân sự),
không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, bản thân họ đã là
một con người tốt. Họ lại giảm được bao nhiêu việc lo âu sợ sệt tốn hao trong cuộc
sống hiện tại. Cha mẹ anh em vợ chồng con cái nhờ đó được an ổn vui tươi. Mọi người
trong xã hội khỏi phải phiền hà lo âu vì họ. Chúng ta có thể hình dung trong một xóm,
mà mọi người đều giữ năm giới hết, trong xóm đó có xảy ra chuyện giết hại, trộm
cướp, lừa đảo, hiếp dâm và say sưa phá làng phá xóm không? Chắc hẳn là không, trừ
phi những kẻ khác xâm nhập vào. Chúng ta hiện nay đi đâu cũng lo âu sợ sệt là tại
sao? Phải chăng, vì sợ người hãm hại, sợ người móc túi giựt đồ, sợ người lường gạt...
Chánh quyền phải bận tâm nhọc sức điều tra theo dõi, vì dân chúng không biết tu. Nếu
người dân biết tu và chịu tu như vậy, chánh quyền sẽ thảnh thơi nhàn rỗi biết chừng
nào. Bởi vì con người ai cũng có sẵn những thói xấu, nếu không cấm đoán hạn chế, nó
sẽ tạo ra lắm chuyện xấu xa hèn hạ khổ đau cho nhau. Vì lòng từ bi, đức Phật như bắt
buộc các đệ tử của Ngài phải tuân theo những điều cấm đoán, nhờ đó sẽ dẹp bớt những
thói xấu, nết tốt dần dần tăng trưởng, khổ đau sẽ tiêu mòn, an vui thêm lớn. Đây là chủ
đích cứu khổ của đạo Phật.
Để thành một con người hoàn hảo hơn, Phật dạy phải tu Thập thiện. Pháp Thập
thiện mới thật sự đầy đủ tu chuyển ba nghiệp. Chuyển ba nghiệp ác của thân, không sát
sanh, không trộm cướp, không tà dâm. Chuyển bốn nghiệp ác của khẩu: không nói dối,
không nói lật lọng (ly gián), không nói hung ác, không nói vô nghĩa (thêu dệt), chuyển
ba nghiệp ác của ý: bớt tham, bớt sân, không tà kiến (chấp lệch, sai). Mười điều lành
này xây dựng một con người toàn hảo. Chúng ta phân tích từ tế đến thô sẽ thấy pháp
Thập thiện công hiệu không thể kể hết. Một con người không bị tham lam xúi giục thì
sẽ làm chủ mình trước mọi thứ cám dỗ của trần gian. Tài sắc danh lợi không lung lạc
được, người này mới hoàn toàn thanh bạch cao thượng. Không bị nóng giận áp đảo,
chúng ta mới bình tĩnh sáng suốt giải quyết mọi vấn đề. Làm chủ được nóng giận,
chúng ta không nói lời thô ác, không có hành động tàn nhẫn. Đời chúng ta không bị
hối hận bao giờ, người thân chúng ta không hề chán ghét. Sự việc xảy đến, giải quyết
một cách sáng suốt khôn ngoan chúng ta mới đủ khả năng đảm đang việc lớn được.
Mọi lý thuyết, mọi vấn đề, chúng ta không thấy một chiều, không nhìn phiến diện,
quần chúng mới dễ cảm thông, mới thật lòng yêu mến. Tà kiến là cái thấy lệch lạc,
thấy sai lầm cục bộ, dễ sanh tranh cãi, dễ sanh oán hờn. Không tà kiến là một tâm hồn
cởi mở, bao dung, suốt thông, trong sáng. Không tà kiến, chúng ta hòa hợp được mọi