BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 77

người, mọi chánh kiến khác nhau. Cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau, nẩy mầm từ
thông cảm nhau hay chống đối nhau. Không tà kiến mà lại có chánh kiến, thật hạnh
phúc thay cho kiếp con người. Thân khẩu trở thành hay hoặc dở đều phát nguồn từ ý
tốt hay xấu. Sở dĩ Thập thiện xây dựng con người hoàn hảo là chú trọng đến ý nghiệp.
Pháp ngũ giới mới chuyển hóa hai phần nổi, thân khẩu mà thôi. Bởi vậy Phật tử chúng
ta không phải chỉ dừng ở Ngũ giới mà phải tiến lên Thập thiện mới thật đầy đủ.

TU CHUYỂN BA NGHIỆP LÀ CĂN BẢN PHẬT PHÁP

Đời Đường ở Trung Hoa, có một Thiền sư thấy trên cây có chỗ thuận tiện ngồi

tu được, ông liền gác cây bẻ nhánh lót thành chỗ ngồi, giống như ổ quạ và ngồi đó tu.
Thời gian sau, ông ngộ đạo tại đây, dân chúng gọi Ngài là Ô Sào Thiền sư (Thiền sư
ngồi trong ổ quạ). Ông Bạch Cư Dị, nhà văn nổi tiếng thời ấy, được cử làm quan ở
huyện này, nghe danh tiếng Thiền sư Ô Sào, ông liền đến hỏi đạo. Khi gặp nhau, ông
hỏi nhiều câu, câu chót: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Thiền sư Ô Sào ngồi trên ổ quạ
đáp: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.” (Chớ
tạo các điều ác, vâng làm mọi việc lành, giữ tâm ý trong sạch, đây lời dạy chư Phật.)
Ông Bạch Cư Dị cười thưa: “Bài kệ Ngài dạy, con nít tám tuổi cũng thuộc rồi.” Thiền
sư bảo: “Phải, con nít tám tuổi cũng thuộc, song ông già tám mươi làm chưa xong.”
Bạch Cư Dị đảnh lễ rồi lui về.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy cốt yếu của đạo Phật là dạy Phật tử phải

chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện. “Chớ tạo các điều ác” là dừng ba nghiệp
ác. “Vâng làm mọi việc lành” là tu ba nghiệp lành. “Giữ tâm ý thanh tịnh” phải chú
tâm nhiều về ý nghiệp. Ý nghiệp thanh tịnh thì thân khẩu mới tốt, mới thanh tịnh. Ý
nghiệp là chủ động, nên dành riêng một câu để thấy tầm vóc quan trọng của nó. Dạy tu
chuyển ba nghiệp thanh tịnh này, không phải chỉ riêng Phật Thích-ca dạy mà chư Phật
đều dạy như thế, “đây lời dạy chư Phật”. Còn một điểm quan trọng chúng ta phải chú
ý, Bạch Cư Dị nghe bài kệ này thấy dễ nhớ dễ hiểu nên xem thường bảo rằng “con nít
tám tuổi cũng thuộc”. Thiền sư giáng cho ông một đòn đau điếng bằng câu, “con nít
tám tuổi cũng thuộc, song ông già tám mươi làm chưa xong”. Đạo là để hành để tu chớ
không phải hiểu nhớ suông. Nếu hỏi đạo để hiểu nhớ, chỉ là việc đùa cợt vô ích. Ứng
dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, mới thấy hữu ích thật sự. Dầu một thứ thuốc hay đến
đâu, nếu người ta chỉ biết tên, đọc nhãn hiệu, nghiên cứu công thức, mà không chịu
uống thì con bệnh không bao giờ lành. Phật tử chịu thực hành lời Phật dạy, như con
bệnh chịu uống thuốc, mọi bệnh khổ không còn đeo bám chúng ta. Học Phật pháp để
hiểu để nói, như người khoe ăn nhiều thứ bánh vẽ, mà bụng vẫn đói. Người học đạo để
hành, để tu mới thật chân chánh Phật tử.

Kết thúc bài này, chúng ta thấy trọng tâm chủ yếu đạo Phật dạy “chuyển hóa ba

nghiệp ác thành ba nghiệp thiện”, là căn bản bước đầu không thể thiếu, ở mỗi người
Phật tử. Mỗi người hoàn thiện thì xã hội mới toàn mỹ. Chúng ta tu chuyển nghiệp ác
thành nghiệp thiện là tự mình thẳng tiến trên bước đường đạo đức, đóng góp sự vui
tươi an lạc cho gia đình mình, xây dựng hoàn hảo cho xã hội văn minh. Văn minh ở
đây là văn minh đạo đức, văn minh của tình thương chia ngọt sẻ bùi, văn minh của
những con người thanh bai cao thượng. Cho nên trong kinh Thập Thiện nói người tu
Thập thiện sẽ được sanh lên cõi trời, gọi là Thiên thừa Phật giáo. Song với chúng tôi,
người tu Thập thiện là con người hoàn hảo, trong xã hội có đa số người tu Thập thiện
là xã hội văn minh hoàn hảo. Đây là Phật pháp giáo hóa dân gian.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.