đàm phán chỉ có thể tiếp tục lại sau khi Pháp đã chiếm đóng Bắc
kỳ.
Các giới ngoại giao đã nghiêm khắc lên án cử chỉ này của ông bạn
Trung Quốc. Nội các Paris coi bức thư của Tăng Kỉ Trạch như một
câu chuyện điên rồ, “một sự vi phạm nghiêm trọng đến quy chế
ngoại giao”, và yêu cầu Bắc Kinh triệu hồi nhà ngoại giao của
mình về nước.
THỎA ƯỚC THIÊN TÂN. HIỆP ƯỚC PATENÔTRE
Sự thất bại ở Bắc Ninh làm cho Thiên triều bị xúc động mạnh.
Bắc Kinh chạy ngược chạy xuôi để rút được số tiền vay ở Quảng
Châu của “The Hongkong & Shanghai Banking Corporation”
(Nghiệp đoàn Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải), ngân hàng
này không chịu giao tiền nếu hòa bình không đảm bảo. Thiên
triều còn muốn vay ngay ở Thiên Tân một số tiền 14 triệu francs,
nhưng nhà ngân hàng Anh do dự.
Ngay từ đầu năm 1884, tin đồn qua báo chí Pháp rằng Pháp
định đòi Trung Quốc phải trả một số chiến phí và Pháp sẽ chiếm
Đài Loan, Hải Nam cùng quần đảo Chusan làm vật bảo đảm. Khả
năng Pháp bất thần chiếm đóng Chusan làm cho Anh lo ngại, họ
cảnh cáo rằng một cuộc chiếm đóng như vậy là một sự tuyên chiến
đối với nước Anh.
Sau thất bại của Trung Quốc, cả Trung Quốc và Pháp đều
mong muốn có một sự dàn xếp. Nhưng quan hệ ngoại giao bị cắt
đứt tại Bắc Kinh cũng như tại Paris và phải tìm cách khôn khéo để
nối lại.