cũng như sự bền vững của chế độ quan liêu và thôn xã, mặc dù nặng
tính chất phong kiến
. Ông chấp nhận rằng nước Pháp có thể
dung hòa sự cai trị của mình với sự duy trì chế độ quan liêu đó mà
không suy giảm địa vị.
Dưới thời Minh Mạng, việc quản lý quốc gia đã được tổ chức lại.
Hệ thống quan chức Việt Nam chia làm 9 bậc “phẩm”, mỗi bậc có hai
hạng “chánh” và “tùng”. Một Viện Cơ mật (Cơ mật Viện) đã được
thiết lập năm 1861, tựu hợp các quan chức cao cấp từ tam phẩm trở
lên, nhằm giải quyết những đại sự quốc gia.
Công việc hành chánh thực dân vẫn sử dụng lại cơ cấu quan chức
đó. Các quan lại từ tứ phẩm trở lên, đối với chánh phủ thực dân, là
thuộc ngạch quan lại cao cấp những người gọi là “quan lớn”. Chỉ có
các vị quan từ nhị phẩm trở lên mới được mang danh hiệu “đại
thần”, trong công văn giấy tờ hoặc trong giao tiếp, xưng hô.
Sau đó ít lâu, ta sẽ thấy người Pháp bắt buộc người Việt Nam
gọi, không phân biệt, “quan lớn” tất cả các công chức Pháp hoặc Việt
Nam, to hay nhỏ của chánh phủ bảo hộ.
Bonard chắc chắn rằng chánh phủ Huế đã thấy rõ không thể
nào chống lại nổi Pháp, đành hy sinh ba tỉnh Nam kỳ để cứu lấy
phần còn lại của đất nước. Pháp sẽ phát huy một ảnh hưởng đúng
mức với Việt Nam: Việt Nam trước kia vốn chư hầu của Trung
Quốc, thì từ nay sẽ là chư hầu của Pháp; nước Pháp sẽ có một căn
cứ vững vàng để tác động dần dần đến toàn bộ khu vực Viễn Đông,
bằng cách lôi cuốn dần dần vào dòng thương mại của Pháp, việc
khai thác những vùng đất rộng lớn và giàu có này. Ông Đô đốc hy
vọng, với sự khôn ngoan và sự cứng rắn, áp dụng được nguyên tắc
thứ nhất ấy mà không gặp khó khăn gì, ngoại trừ những khó khăn
vụn vặt có thể khắc phục tại chỗ và không cần phải phô trương lực
lượng.