Dù có mất cả miền Nam trong hai mươi năm, giữa Hiệp ước
1862 và cuộc tiến công đầu tiên của Pháp vào Bắc kỳ năm 1882,
vẫn tồn tại một nước Việt Nam độc lập làm chủ vận mệnh mình và
một phần lớn lãnh thổ của mình. Miền Bắc và miền Trung, cái
nôi của đất nước và là những lò truyền thống của nền văn minh
Việt Nam, vẫn nằm trong tay mình.
Đứng trước sự chia cắt non sông do việc quân Pháp chiếm đóng
miền Nam, theo Hiệp ước 1862, rồi sự thôn tính đơn phương năm
1867, miền Bắc và miền Trung đã phản ứng như thế nào?
Mặc dù áp lực của Pháp, Huế vẫn kiên trì từ chối không thừa
nhận vụ bạo lực năm 1867 và chuẩn y việc Pháp chiếm đóng các tỉnh
miền Nam. Một chỉ dụ của vua Tự Đức công bố năm 1867 chứng rõ,
đồng thời lòng yêu nước, một tâm trạng rất hoang mang. Nó chỉ rõ
sự bất lực của nhà vua trong việc cổ vũ và lãnh đạo một phong trào
đổi mới đất nước sâu rộng:
“Chưa bao giờ có những sự kiện tai hại như ở thời đại chúng ta;
chưa bao giờ có những bất hạnh lớn lao như trong năm này…
Nhìn lên trên, Trẫm sợ mệnh trời và nhìn xuống dưới, lòng
thương cảm đối với trăm dân khiến Trẫm ngày đêm đau khổ.
Trong thâm tâm, Trẫm vừa run sợ, vừa xấu hổ. Trẫm luôn
gánh nhận lấy mọi sự thù địch cho trăm họ khỏi chịu trách
nhiệm và tai ương này chưa xong thì những tai ương mới đã tới.
Quả thực, chẳng biết nói cách nào, làm cách nào để giúp đỡ
cho thần dân đất nước…
Trẫm thường dự các buổi tiếp tân nghi lễ nhưng chỉ là người
nghi thức bên ngoài; ngồi một mình, lòng Trẫm nặng trĩu đau
buồn, không lời nào tả xiết.