dọc theo một cái hào quanh co được sử dụng làm tầng nhà hầm khá sâu không phải tốn tiền đào đất, hơn nữa nhà hầm này
không phải dùng làm chỗ chứa đồ, hoặc kho tàng, mà là để cho người ở. Không một nhà nào trong phố ấy thoát khỏi bệnh
dịch tả. Và thông thường thì những đường phố trong các vùng phụ cận ấy đều không lát, giữa đường là từng đống phân và
từng vũng nước, nhà cửa thì dính lưng vào nhau, chẳng có thiết bị thông gió và thoát nước gì cả, và cả một gia đình bị nhốt
vào một xó nhà hầm hoặc một xó gác sát mái".
Trên kia tôi đã nói đến tính tích cực phi thường của cảnh sát vệ sinh ở Man-se-xtơ trong
thời gian dịch tả. Khi bệnh dịch ấy tràn dần đến, thì toàn thể giai cấp tư sản trong thành phố
đều hoảng hốt. Người ta sực nhớ đến những căn nhà ở thiếu vệ sinh của người nghèo và họ
run sợ nghĩ rằng mỗi khu nhà ổ chuột ấy sẽ trở thành một lò truyền nhiễm, bệnh dịch có thể
từ đó mà truyền đi và hoành hành khắp nơi, lọt vào trong những toà nhà của giai cấp có của.
Lập tức, họ thành lập một tiểu ban vệ sinh để điều tra và báo cáo tường tận với hội đồng
thành phố về tình hình các khu ấy. Bác sĩ Cây chính là một uỷ viên trong tiểu ban ấy, đã
chuyên đi kiểm tra từng khu cảnh sát, trừ khu mười một, và đã trích mấy đoạn trong báo cáo
ấy. Tất cả có 6 951 nhà được kiểm tra - tất nhiên chỉ ở chính Man-se-xtơ, không kể Xôn-
phoóc và các vùng phụ cận khác; trong số đó có 2 565 nhà cấp thiết phải quét vôi ngay bên
trong, 960 nhà không thực hiện kịp thời việc tu bổ cần thiết (were out of repair), xung quanh
939 nhà không đủ cống rãnh tốt, 1 435 nhà ẩm thấp, 452 nhà thông gió kém, 2221 nhà không
có chuồng xí. Trong số 687 phố được kiểm tra, 248 phố không lát, 53 phố chỉ lát từng đoạn,
112 phố nát, v.v.. Tất nhiên là không thể dễ gì mà dọn sạch những cái chuồng ngựa Ô-gi-át ấy
trước khi bệnh dịch tả tràn đến. Vì vậy người ta chỉ quét dọn một vài xó tồi tệ nhất, còn
những chỗ khác thì đâu vẫn nguyên đấy; dĩ nhiên là những nơi đã được quét dọn đó, chỉ vài
tháng sau lại bẩn như cũ, như khu Ai-rơ-len nhỏ chẳng hạn. Về tình hình bên trong những
nhà ấy, tiểu ban ấy đã báo cáo
những điều y hệt như ta đã nghe thấy về Luân Đôn, Ê-đin-bớc và các thành phố khác:
"Thường là cả một gia đình Ai-rơ-len nằm chen chúc trên một cái giường; nhiều khi một đống rơm bẩn và chăn giải
giường bằng bao tải cũ, dùng làm chỗ nằm chung cho cả gia đình; và mọi người đều truỵ lạc như nhau vì nghèo khổ, đần
độn và phóng đãng. Nhiều khi các uỷ viên kiểm tra đã thấy hai gia đình ở chung một căn nhà có hai phòng, một phòng dùng
làm buồng ngủ cho tất cả, phòng kia dùng làm bếp và nhà ăn chung; thậm chí nhiều khi đến mấy gia đình sống trong một
gian nhà hầm ẩm ướt; trong bầu không khí hôi thối của gian hầm đó, từ mười hai tới mười sáu người ở chen chúc; ngoài
những nguồn bệnh truyền nhiễm như thế còn có tình trạng người ta nuôi lợn cả ở đấy, và bằng nhiều cách khác đã gây ra sự
bẩn thỉu kinh tởm nhất"
1)
.
Phải nói thêm là nhiều gia đình dù chỉ có một phòng cũng nhận người ở nhờ hay người
ngủ trọ để kiếm thêm tiền; nhiều khi thậm chí khách trọ nam lẫn nữ lại ngủ chung một
giường với cả gia đình nhà chủ và, như "Báo cáo về tình hình vệ sinh của giai cấp công
nhân" đã nhận thấy, ở Man-se-xtơ ít nhất có sáu trường hợp người chồng ngủ chung một
giường với vợ và em gái vợ đã lớn tuổi. Các nhà trọ ở đây cũng rất nhiều. Năm 1831 bác sĩ