mình. Vì mục tiêu có tính phê phán của ngân hàng cho người nghèo là giảm nhẹ một tai nạn
đau khổ nhất trong đời sống công nhân - việc làm bị gián đoạn - nên những khoản vay chỉ
cấp cho những người thất nghiệp. Ông Giéc-manh phụ trách quản lý cơ quan đó sẽ hưởng
lương mỗi năm là 10 000 phrăng.
Bây giờ chúng ta hãy dùng con mắt của quần chúng mà xem cái thực tiễn của khoa kinh tế
chính trị có tính phê phán. Thu nhập hàng năm của ngân hàng là 12 000 phrăng. Khoản vay
cứu tế cho mỗi người là 20 đến 40 phrăng, vậy trung bình mỗi người 30 phrăng. Số công
nhân được chính thức công nhận là "túng thiếu" ở khu phố thứ bảy ít nhất là 4000 người.
Như vậy mỗi năm người ta có thể cứu giúp 400 người, nghĩa là một phần mười số công nhân
túng thiếu nhất ở khu phố thứ bảy. Ở Pa-ri, phải tính thời gian thất nghiệp trung bình ít nhất
là 4 tháng tức 16 tuần lễ: con số đó rất thấp đối với Pa-ri, 30 phrăng chia cho 16 tuần lễ, mỗi
tuần lễ chưa đầy 1,88 phrăng tức 0, 27 phrăng mỗi ngày. Ở Pháp, chi phí cho mỗi tù nhân
mỗi ngày trung bình là hơn 0,47 phrăng một ít, trong đó ăn uống hết hơn 0,30 phrăng. Song
công nhân mà Rô-đôn-phơ cứu tế có gia đình. Cứ hãy cho rằng ngoài hai vợ chồng ra, mỗi
nhà có trung bình 2 con, như vậy phải chia 0,27 phrăng cho 4 miệng ăn. Tiền nhà mỗi ngày ít
ra cũng là 0,15 phrăng, còn lại 0,12 phrăng. Số bánh mỳ mà trung bình mỗi tù
nhân ăn hàng ngày giá chừng 0,14 phrăng. Do đó với số tiền cứu tế của ngân hàng có tính
phê phán, công nhân và gia đình họ chưa đủ mua một phần tư số bánh mì cần thiết, đấy là
chưa kể những nhu cầu khác, và họ chắc chắn sẽ chết đói trừ phi phải tìm đến những thủ
đoạn mà ngân hàng cho người nghèo đó muốn ngăn ngừa tức là : cầm cố, ăn xin, trộm cắp và
mãi dâm.
Nhưng vị vĩ nhân phê phán tàn nhẫn lại quá ư chu đáo với ông giám đốc ngân hàng. Số thu
nhập cần quản lý hàng năm là 12000 phrăng mà lương hàng năm của giám đốc lại là 10 000
phrăng. Vì vậy, chi phí quản lý chiếm 85% tổng số kim ngạch, nghĩa là gấp quá hai lần số chi
phí quản lý của các cơ quan cứu tế có tính quần chúng cho người nghèo ở Pa-ri, số chi phí
này thường chỉ chiếm khoảng 17 % toàn bộ khoản chi.
Tuy nhiên, hãy tạm cho rằng sự cứu tế của ngân hàng cho người nghèo là sự cứu tế thực sự
chứ không phải chỉ là sự cứu tế hư ảo, thì cơ cấu mà cái bí mật bị bóc trần của mọi bí mật đã
phát minh ra vẫn là xây dựng trên một thứ ảo tưởng cho rằng chỉ cần thay đổi sự phân phối
thù lao lao động là công nhân có thể sống suốt năm.
Nói một cách nôm na, có 7 triệu rưỡi công nhân Pháp chỉ thu nhập hàng năm 91 phrăng
tính theo đầu người và 7 triệu rưởi khác chỉ thu nhập hàng năm 120 phrăng tính theo đầu
người. Như vậy là có 15 triệu công nhân mà thu nhập thấp hơn mức tuyệt đối cần thiết cho
cuộc sống.
Giải thích cho hợp lý thì dụng ý của ngân hàng có tính phê phán cho người nghèo chỉ là ở
chỗ khi công nhân có việc làm, người ta khấu trừ trong tiền lương của anh ta một số tiền mà
anh ta sẽ cần thiết để sống khi thất nghiệp. Khi anh ta thất nghiệp, tôi ứng trước cho anh ta