LỜI MỞ ĐẦU
Lịch sử giai cấp công nhân Anh bắt đầu từ nửa thứ hai của thế kỷ XVIII, cùng với việc
phát minh ra máy hơi nước và những máy làm bông. Như ta đã biết, những phát minh ấy đã
gây nên một bước nhảy vọt trong cuộc cách mạng công nghiệp, cuộc cách mạng mà hiện nay
người ta chỉ vừa mới bắt đầu nhận thức được ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của nó thì đồng
thời nó cũng đã làm biến đổi toàn bộ xã hội công dân. Anh là nước điển hình về sự biến đổi
ấy, biến đổi càng tiến hành lặng lẽ, thì càng mạnh mẽ; do đó, nước Anh cũng là nước điển
hình về sự phát triển của giai cấp vô sản, kết quả chủ yếu của sự biến đổi đó. Chỉ có ở Anh
mới có thể nghiên cứu toàn diện giai cấp vô sản trên tất cả các mối quan hệ của nó.
Ở đây, chúng ta không xét đến lịch sử cuộc cách mạng ấy, cũng như không xét đến ý nghĩa
to lớn của nó đối với hiện tại và tương lai. Đó là một đề mục phải dành cho một tác phẩm
rộng rãi hơn sau này. Hiện nay, chúng ta chỉ giới hạn ở mấy điểm cần thiết để làm sáng tỏ
những sự kiện sau đây, để hiểu rõ tình cảnh hiện tại của giai cấp vô sản Anh.
Khi chưa dùng máy móc, việc kéo sợi, dệt vải, đều làm ở nhà người thợ. Vợ và con gái kéo
sợi, người chồng đem sợi ấy dệt thành vải; nếu anh ta không tự dệt lấy thì đem sợi đi bán.
Các gia đình thợ dệt ấy phần đông sống ở nông thôn, gần thành phố và có thể làm đủ ăn vì
lúc đó về mặt nhu cầu vải thì thị trường địa phương còn có ý nghĩa quyết định, thậm chí hầu
như là thị trường duy nhất
còn sức mạnh của cạnh tranh, sau này tự mở đường với sự xâm chiếm các thị trường nước
ngoài và mở rộng buôn bán, bấy giờ còn chưa ảnh hưởng mấy tới tiền lương. Thêm vào đó sự
tăng lên không ngừng của nhu cầu trên thị trường trong nước, song song với sự tăng lên từ từ
của dân số đã đảm bảo cho mọi người công nhân đều có việc làm; ngoài ra không thể có cạnh
tranh mạnh mẽ giữa họ với nhau do điều kiện cư trú phân tán của họ ở nông thôn. Cho nên
phần đông những người thợ dệt thậm chí có thể dành dụm được chút ít và thuê được một
mảnh đất nho nhỏ để làm trong những lúc rảnh rang - mà thì giờ muốn rảnh bao nhiêu cũng
được, bởi vì anh ta muốn dệt nhiều, dệt ít hay dệt lúc nào là tuỳ ý. Thực ra thì về nghề nông
anh ta cũng tồi, trồng trọt qua loa và cũng chẳng thu lợi được mấy; nhưng ít ra thì anh ta
cũng không phải là một người vô sản; như người Anh thường nói, anh ta đã đóng cọc trên
mảnh đất quê hương; anh ta có định sở và, trong xã hội, anh ta đứng cao hơn một bậc so với
người công nhân Anh ngày nay.