những cốt-ta-giơ khác các bạn sẽ có thể thấy được chỉ có vợ và con làm việc ở công xưởng, còn chồng thì ngồi vá bít tất. Vì
chủ xưởng ở ngay đó, các bạn không tiện đề ra những câu hỏi quá thóc mách, và hình như công nhân có lương khá, sinh
hoạt dễ chịu, tương đối khoẻ mạnh nhờ không khí ở nông thôn. Các bạn bắt đầu từ bỏ các ý niệm của mình về sự nghèo khổ
và đói khát, coi đó chỉ là quá cường điệu. Nhưng tình hình chế độ cốt-ta-giơ biến công nhân thành nô lệ ra sao, và cạnh đó
chỉ có một cửa hàng của công xưởng thì các bạn lại không biết một tí gì, công nhân không thể tỏ cho các bạn thấy họ căm
ghét chủ xưởng như thế nào, vì chủ xưởng ở ngay bên cạnh các bạn, thậm chí chủ xưởng còn xây trường học, nhà thờ,
phòng đọc sách, v.v.. Nhưng họ lợi dụng nhà trường để dạy cho trẻ con phục tùng kỷ luật, họ chỉ cho bày ở các phòng đọc
sách những sách báo bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản; họ thải những công nhân đọc sách báo của phái Hiến chương và sách
báo xã hội chủ nghĩa, - tất cả những cái ấy họ đều giấu các bạn. Các bạn thấy những quan hệ gia trưởng dễ chịu, các bạn
thấy đời sống của các đốc công, các bạn thấy giai cấp tư sản hứa hẹn với công nhân cái gì, nếu về mặt tinh thần công nhân
cũng chịu trở thành nô lệ của chúng. Đã từ lâu, bọn chủ xưởng đã lấy khẩu hiệu "công xưởng nông thôn" làm tôn chỉ hoạt
động, vì ở nông thôn những tai hại của chế độ công xưởng, đặc biệt là về phương diện vệ sinh, đã được loại trừ, một phần
nhờ không khí trong lành và môi trường xung quanh, đồng thời cũng là vì ở đây sự nô dịch của chế độ gia trưởng đối với
công nhân được giữ lâu nhất. Bác sĩ I-u-rơ đã hết lời ca tụng tình hình ấy. Nhưng khốn khổ thay cho người công nhân, nếu
họ lại lăm le muốn suy nghĩ độc lập và trở thành những người theo phái Hiến chương, thì đối với họ sự yêu mến và săn sóc
như cha mẹ của chủ xưởng, sẽ tiêu tan ngay trong chốc lát. - Nhưng nếu các bạn lại muốn đến khu công nhân ở Man-se-xtơ
để xem những ảnh hưởng của chế độ công xưởng trong một thành phố công xưởng thì các bạn phải đợi chán mới được các
nhà tư sản giàu có giúp cho việc ấy! Các ngài ấy không biết công nhân muốn gì, tình cảnh của họ thế nào. Họ không muốn,
và cũng không thể biết những điều đó, vì họ sợ biết được những sự việc làm cho họ không được yên lòng, hoặc thậm chí
buộc họ phải hành động trái ngược với lợi ích của họ. Nhưng cái ấy không quan trọng gì cả, những gì công nhân muốn, thì
họ sẽ đạt được bằng sức mạnh của chính họ.