LỜI MỞ ĐẦU
Quyển một này sẽ gồm hai phần. Phần đầu giới thiệu ca dao nhi đồng Việt-
Nam, và phần hai giới thiệu ca dao nhi đồng quốc tế.
Trẻ nhỏ Việt nào mà chẳng thuộc, không ít thì nhiều, vài bài ca dao mà các
em cảm thấy thích thú. Ca dao đã đóng góp một phần không nhỏ vào đời sống
tươi vui hồn nhiên của các em. Hầu hết trò chơi của các em đều là ca dao.
Trường Sư-Phạm Saigon niên khoá 1968-69 thày trò chúng tôi đã có dịp bàn
nhiều về môn này mà chúng tôi gọi chung là Văn-Chương Nhi-Đồng gồm ca dao,
ngụ ngôn, truyện thần thoại, truyện cổ tích, v.v… Quyển một dành riêng cho ca-
dao.
I. TÁC DỤNG CỦA CA DAO NHI ĐỒNG
Bàn về tác dụng của ca dao nhi đồng, nữ giáo sinh Lý-Đức-Mỹ lớp Đệ Nhất-
5 niên khoá 1968-69 trường Sư Phạm Saigon có ghi :
« Khi đọc những ca dao nhi đồng, bao giờ chúng ta cũng cảm thấy mình
như trẻ lại, và những ảnh tượng xa xưa của thời thơ ấu tự nhiên xuất hiện, nó
dàn cảnh trước mắt ta, gây cho ta một cảm giác lâng lâng yêu đời, và để lại trong
lòng ta một nuối tiếc về thời vàng son của tuổi trẻ mà chẳng bao giờ ta còn trở
lại được nữa.
Tuy thời gian mang đi mất tuổi thơ ngây hồn nhiên, nhưng cũng chính thời
gian làm cho sự hiểu biết trưởng thành và nhờ đó ta hiểu được và tìm về tuổi thơ
với tất cả chân tình trìu mến. Và nhất là vào những lúc nhàn hạ, bỗng dưng tự
đáy lòng ta dường như thoát ra tiếng hát trong trẻo ngây-thơ đáng yêu vô cùng.
Tiếng hát ấy mang hồn ta ra khỏi cái thực tại đầy ưu-tư mệt-nhọc đang bám sát
người ta. Thế là ta hoà mình với trẻ và cùng nô đùa với chúng. Trong giây phút
tươi trẻ lại này, ta không còn là chính ta nữa, mà là một đứa bé như muôn ngàn
đứa bé đang cười rỡn trên khắp vùng quê hương ; ta cũng bầy trò, cũng hành
động như chúng thôi ; và chính ta cũng không hiểu tại sao ta lại có thể làm được
như thế khi mà thực tế dằng-dặc ưu-tư luôn-luôn níu kéo ta lại với nó.