Xét cho kỹ, ta được tận hưởng những giây phút có thể nói là thần tiên ấy là
do trí khôn ngoan của ta đã biết tích trữ những tinh hoa : tinh hoa đó chính là
những bài hát thơ ngây sống mãi muôn đời, vì chỉ những gì người ta thích, cái đó
mới gây được hạnh phúc mà thôi ».
Nữ giáo sinh Nguyễn-thị-Vãng lớp Đệ Nhị x cũng ghi như sau :
« Tự ngàn xưa trên mảnh đất hiền hoà này, những bà mẹ, những người chị
thường vẫn cất cao giọng ngọt-ngào ru ngủ con thơ, em thơ bằng những câu hát
êm đềm có ngụ ý về luân lý, phong tục trẻ trung, hồn nhiên, đôi khi có tính cách
trữ tình lãng mạn. Những bài hát câu hò đó thấm vào giấc ngủ của trẻ Việt như
mưa xuân tưới thấm đất mầu và kho tàng thi ca của ta như hoa lá mùa xuân kia
phồn thịnh biết chừng nào. Há chẳng đã có người cho rằng mỗi người Việt là một
thi nhân, và tình yêu gia đình, tổ quốc, dân tộc và nhất là tình mẫu tử thiêng-
liêng thể hiện trong văn chương Việt Nam thật đã dạt-dào và sâu đậm hơn bất cứ
dân tộc nào trên thế giới.
Khi lớn lên ai mà chẳng thấy lòng xúc động khi nghe những câu đồng dao
ngộ-nghĩnh, những bài hát trò chơi của trẻ em ! Trong dịp đó tâm hồn ta tìm về
thời thơ ấu trọn vẹn, đó là thuở vàng son đầy nắng ấm và hoa hồng, nụ cười điểm
trên môi ta lúc bấy giờ nhuộm trọn màu thánh thiện vô tư.
Ôi ! tuổi ngọc thực đã xa vời, nhưng tiếng hát mẹ hiền ngày nào vẫn còn
vang mãi. Những kỷ niệm thời thơ dại đã sống lại bởi dư âm của bài đồng dao
êm-đềm trong ký ức. Âm thanh sâu thẳm đó đã tháp cho ta đôi cánh thiên thần
bay ra khỏi vùng ưu tư thực tại để đến một cõi nào có toàn trăng sao, hoa bướm,
với một lũ trẻ áo màu rực-rỡ, ngày tháng tung-tăng ».
Chính vì trẻ Việt đã sớm được hưởng trọn vẹn tác dụng nhiệm-mầu của ca
dao ngay từ thuở trứng nước, giữa bầu không khí đùm bọc của gia đình như vậy,
nên vấn đề chỉ còn đặt lên là chúng ta sẽ sử dụng những bài đồng-dao ra sao đây
ở nhà trường. Vấn đề sẽ được đề cập tới kỹ càng hơn ở cuối bài này.
II. PHÂN LOẠI CA DAO NHI ĐỒNG
Ca dao nhi đồng Việt-Nam có thể chia làm mấy loại chính sau đây :
A) Những bài hát luân lý