Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng,
Đèn ra ngoài gió, còn chăng hỡi đèn ?
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn,
Cớ sao trăng phải chui luồn đám mây ?
VI. TRÒ CHƠI NHI ĐỒNG
A) Ý NGHĨA CÁC TRÒ CHƠI
Trò chơi nhi đồng Việt-Nam cũng như trò chơi nhi đồng của bất cứ nước
nào đều không ít thì nhiều vụ vào những mục đích giáo dục. Tỉ như :
Trò « Rung-răng rung-rẻ » giúp các em nhỏ có những cử động nhịp-nhàng.
Những trò chơi chạy, nhảy, rượt, đuổi đều có tác dụng làm cho bắp thịt các
em nẩy-nở. Trong trò chơi « Thả đỉa ba ba » em bị rượt đuổi phải luôn luôn làm
chủ được những cử động của mình chợt chạy tả, chợt chạy hữu… để khỏi bị bắt.
Trò chơi « Rồng rắn » chẳng hạn, dạy các em tinh thần liên đới, bởi các em
ở bên « rắn » phải luôn luôn liên kết thành một khối, đầu chặn thầy thuốc để đuôi
chạy.
Trò chơi « Ú tìm » giáo dục thính quan, thị quan ; các em vừa lắng nghe vừa
chú mục nhìn để khám phá ra nơi có kẻ trốn nấp.
Trò chơi « Câu đố » huấn luyện trí thông-minh suy đoán.
Trò chơi thả diều (nhiều thứ diều) vừa giúp tâm trí thảnh-thơi vừa huấn
luyện óc thẩm mỹ.
Vào dịp trung thu các em kết đoàn lại để rước đèn, vừa đi vừa hát « hồ
khoan » thực vừa có tính cách thẩm mỹ vừa có tính cách luân lý.
B) VÀI CÁCH BẮT THĂM
Nếu cần chỉ định một trong nhiều em giữ một vai trò gì, có cách rút thăm
bằng que. Em nào rút phải chiếc que cụt, hoặc chiếc que gẫy, em đó phải lãnh vai
trò.
Nếu trò chơi chia làm hai phe, có thể bắt thăm nhiệm vụ chỉ định cho một
trong hai phe bằng cách « Oẳn, tù, tì » hay « Sì gà ».