là ba con người khác nhau và theo đuổi những mục tiêu riêng. Tuy nhiên cả
ba đều có một kẻ thù chung là chủ nghĩa phát xít, là Hitler.
Trong ba lãnh tụ đó, Winston Churchill là người bảo thủ nhất. Mặc dù
vốn tính khinh bạc, nhưng ông không phải không có tình cảm cao thượng.
Churchill cũng dễ nảy sinh tình cảm gắn bó với những ai mà ông hợp tác,
kể cả Stalin. Churchill không ưa Liên Xô. Nhưng sau khi ông đi Matxcơva
trình bày với Stalin những ý tưởng về việc tổ chức châu Âu sau chiến tranh
trở về, ông như được chắp cánh, và tuyên bố nước Nga Xô viết "chưa bao
giờ gần gũi, chặt chẽ và thân thiết như hiện nay".
Frankhin Roosevelt thì khó hiểu hơn. Ở ông, những tiểu xảo và những
nguyên tắc cao cả kết hợp với nhau một cách kỳ lạ.
Liên Xô có cảm tình với Roosevelt hơn với Churchill nhiều. Do
Churchill gắn với cuộc can thiệp của mười bốn nước nhằm bóp chết cách
mạng tháng Mười, và không ưa Liên Xô. Còn Roosevelt có cảm tình với
Liên Xô hơn, và đặc biệt là - khác với Churchill - rất tin Stalin.
BÍ MẬT NGUYÊN TỬ
Tháng 8 năm 1945, ngay sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống
Hiroshima, Matxcơva điện cho Sứ quán ở Nhật cử ngay người ra thực địa
xem. Sứ quán cử hai cán bộ trẻ đi. Họ đã nhìn thấy cái mà chúng ta sau này
cũng nhìn thấy trên phim: cảnh đổ nát, và người chết, một thành phố bị san
phẳng. Họ mang theo một bao tải đựng đất và tro về Matxcơva cho các nhà
khoa học Liên Xô lúc đó cũng đang nghiên cứu việc chế tạo bom nguyên
tử.
Đấy chỉ là một phần của công tác tình báo rộng lớn mà Liên Xô đã tiến
hành nhằm đánh cắp các bí mật nguyên tử. Tình báo Liên Xô đã làm việc
này cả ở Canada, ở Anh và nhiều nước khác nhưng chủ yếu nhất vẫn là ở
Mỹ.
Trong thời gian chiến tranh và có thể đến hết năm 1945, tình báo Liên
Xô hoạt động ở Mỹ tương đối dễ dàng, thoải mái. Bộ trưởng Merculov có
thể báo cáo với Stalin hết thành tích này đến thành tích khác. Bởi Cục tình
báo liên bang Mỹ còn chưa quan tâm theo dõi người Nga.