Tháng 9 năm 1945, sau khi I.Guzenko - nhân viên tình báo công tác ở Sứ
quán Liên Xô ở nước ngoài chạy trốn, phương Tây mới sửng sốt là An ninh
Liên Xô làm gián điệp ở các nước họ tích cực như thế nào. Các trung tâm
nghiên cứu và phòng thí nghiệm nguyên tử của họ mới bắt đầu tăng cường
các biện pháp bảo vệ.
Nhưng phản gián Mỹ cũng phải mất mấy năm mới sờ nắn được đến
mạng lưới gián điệp của Liên Xô ở Mỹ. Và cho đến tận ngày hôm nay, họ
cũng không tin chắc được rằng đã tìm thấy hết nhân viên hoặc cộng tác
viên của Liên Xô hay chưa.
Cả tình báo chính trị và tình báo quân sự Liên Xô cũng tham gia vào
khai thác các bí mật nguyên tử.
Nhưng vai trò chính vẫn là Tổng cục I của Bộ An ninh quốc gia.
Cuộc tranh luận về việc tình báo đóng vai trò đến đâu trong việc chế tạo
bom nguyên tử của Liên Xô vẫn còn chưa kết thúc. Viện sĩ Yu.Khariton,
người nhiều năm lãnh đạo công tác này khẳng định rằng việc chế tạo bom
nguyên tử của Liên Xô từ đầu đến cuối dựa trên những ý tưởng và suy nghĩ
của các nhà vật lý Liên Xô và trên số liệu tính toán của họ cùng với các nhà
toán học.
Còn Viện sĩ I.V.Kurchatov thì nói rằng các nhà khoa học và các nhà tình
báo chia nhau thành công trong việc chế tạo bom nguyên tử.
Các nhà tình báo thì khiêm tốn nói rằng họ chỉ "giúp" cho các nhà khoa
học. Nhưng quả là họ đã "giúp" rất đắc lực. Họ đã gửi cho Kurchatov
những báo cáo mật hàng trăm trang đầy những công thức, ký hiệu về tiến
trình nghiên cứu, sáng chế của Mỹ. Kurchatov chuyển cho các đồng nghiệp
xem. Họ nói muốn biết thêm điểm này, điểm kia. Sau một thời gian, họ lại
nhận được thêm thông tin trả lời các yêu cầu của họ. Kể cả nếu các nhà vật
lý của chúng ta không nhận được thông tin gì mới so với những gì họ đang
làm, thì ít nhất họ cũng được củng cố lòng tin vào hướng họ đang đi.
Một trong những người cung cấp thông tin chủ yếu cho tình báo Liên Xô
là nhà vật lý người Đức Claus Fuks. ông vào Đảng Cộng sản Đức năm
1921, năm 1933 chạy sang Anh để tránh chủ nghĩa phát xít. Cuối năm
1941, ông đề xuất sự cộng tác với tình báo Liên Xô.