Với sự đề xuất của ông, "cùng tồn tại hoà bình" đã được Lênin và Bộ
Chính trị thông qua từ ngày đó như một trong những nguyên tắc cơ sở của
ngoại giao Xô viết.
Trong những năm 20, có thể nói ước lệ là Liên Xô có hai chính sách: một
chính sách theo đường lối quốc gia mà Chicherin và Bộ Ngoại giao bảo vệ,
và một chính sách theo đường lối Quốc tế Cộng sản. Những lời kêu gọi của
lãnh đạo Quốc tế Cộng sản và lãnh đạo Liên Xô về làm cách mạng thế giới,
ủng hộ các cuộc khởi nghĩa vũ trang của giai cấp vô sản, giúp đỡ các Đảng
Cộng sản tại các nước đã phá vỡ những nỗ lực của ngoại giao Xô viết nhằm
ổn định quan hệ với thế giới. Matxcơva đã giúp tiền và vũ khí cho những
người Cộng sản Đức với hy vọng là cách mạng thế giới sẽ bắt đầu từ Đức.
Nhưng đồng thời Matxcơva vẫn hợp tác với Chính phủ Đức. Do đó mà
Chicherin gọi Quốc tế Cộng sản là kẻ thù số một.
Kẻ thù số hai được Chicherin coi là Bộ Nội vụ, hay Ủy ban đặc biệt.
Trong di chúc chính trị của mình, ông viết: "Những người lãnh đạo Ủy ban
đặc biệt không chân thật, thủ đoạn, luôn luôn tìm cách lừa gạt, nuốt lời,
giấu việc Ủy ban đặc biệt đối xử với Bộ Ngoại giao như kẻ thù giai cấp , . .
. thường xuyên theo dõi và bắt tất cả những người có quan hệ quen biết với
các sứ quán nước ngoài, bắt, thậm chí bắn cả người nước ngoài mà không
hề phối hợp hoặc thông báo cho Bộ Ngoại giao, dẫn đến nhiều vụ xích
mích về đối ngoại".
Những xích mích nội bộ giữa hai bộ cũng diễn ra thường xuyên. Khi Ủy
ban đặc biệt bắt một cán bộ của Bộ Ngoại giao, Dzerjinski báo cáo với
Lênin, nhưng không hề cho Chicherin biết gì cả. Ủy ban đặc biệt tìm cách
thâm nhập vào các sứ quán nước ngoài, giải mã các bức điện qua lại giữa
sứ quán với trong nước. Khi những việc như vậy bị sứ quán phát hiện, thì
Bộ Ngoại giao phải đứng ra trả lời chất vấn. Bộ Chính trị đã phải lập một
ủy ban để hoà giải hai bộ. Ủy ban này từ năm 1923 do V.Molotov - Bí thư
Trung ương Đảng, còn từ năm 1928 do S.Ordjonikidze cầm đầu. Đấy là khi
đó còn có thể tranh cãi với Ủy ban đặc biệt và còn cần phải hoà giải, còn
sau này KGB đã trở thành một cơ quan đầy quyền năng, không ai còn có
thể tranh cãi với nó được nữa.