Nhưng đến tháng bảy, khi Beria bị bắt, thì Ignatiev lại trở thành "nạn
nhân của Beria" và được phục chức ủy viên Trung ương Đảng, mặc dù
chính ông ta là người chỉ đạo việc tạo dựng "vụ các bác sĩ" và xét xử vụ ủy
ban Do Thái chống phát xít. Vì Ignatiev đã kịp chuyển từ Malenkov sang
tranh thủ Khruschov. Tại đại hội 20, Khruschov đã nêu Ignatiev ra làm dẫn
chứng cho việc Stalin ép cơ quan an ninh phải đối xử với tù nhân như thế
nào. Khi đặt Ignatiev vào chức Bộ trưởng, Stalin hy vọng rằng Ignatiev sẽ
trở thành một Ejov thứ hai, sẽ thanh lọc bộ máy an ninh, tự mình đi xuống
nhà giam, hỏi cung và đánh đập tù nhân. Nhưng Ignatiev đã không đáp ứng
được sự mong đợi đó. Ông ta chỉ là một cán bộ Đảng bình thường, một
công chức, thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị của lãnh đạo, nhưng bản
thân không chịu xông xáo vào việc. Stalin phải bảo: "Cậu đừng có ngồi bàn
giấy, phải xắn tay áo lên mà làm việc chứ. Nếu cậu cứ thích ngồi một chỗ,
tôi sẽ cho cậu biết cậu phải làm như thế nào. Nếu cậu không nghe, sẽ được
ngồi ở phòng cạnh phòng Abacumov".
Nếu Stalin không chết năm 1953, thì chắc chắn Ignatiev cũng đã theo
chân Abacumov. Ignatiev mới 56 tuổi nhưng đã bị Khruschov cho về hưu,
ăn lương hưu trí của cán bộ cách mạng lão thành suốt hơn 20 năm, đến năm
1983 mới qua đời.