Ngày 4/4, Beria ký lệnh cho Bộ Nội vụ "cấm áp dụng bất kỳ hình thức
cưỡng bức và tác động về mặt thân thể nào đối với những người bị bắt".
Tuy nhiên chỉ những vụ án thời gian gần đây mà Beria không dính líu
đến được xem xét lại. Còn những vụ án trước và vô số những nạn nhân
khác thì bị im lặng.
Song, phải nói rằng khi báo "Sự Thật" đưa tin về việc phục hồi các nạn
nhân trong "vụ các bác sĩ", thì điều đó đã gây một ấn tượng mạnh mẽ đối
với toàn dân. Đây là sự thú nhận công khai đầu tiên về việc cơ quan an ninh
quốc gia cũng thực hiện những việc làm tội lỗi. Bầu không khí ngột ngạt
như đám mây đen trong thời gian Stalin còn sống tan bớt đi. Đấy là những
biểu hiện đầu tiên của thời kỳ mà sau này người ta, dùng lời của nhà văn
I.Erenburg, gọi là thời kỳ "tan băng".
Sau này, Trung ương Đảng sẽ phê phán Beria là xem xét lại các vụ án thì
đồng ý, nhưng tại sao lại đem ra công bố công khai, làm ảnh hưởng uy tín
của Đảng trong nước và trên quốc tế. Còn hiện giờ, mọi việc diễn ra dồn
dập. Beria mạnh mẽ, năng động và kiên trì. Các đồng chí trong ban lãnh
đạo chỉ còn biết im lặng giơ tay ủng hộ những sáng kiến do Beria đề
xướng. Ngày 10/4 Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng ra nghị quyết "tán
thành những biện pháp do đồng chí Beria tiến hành nhằm vạch trần những
hoạt động tội lỗi trong nhiều năm của Bộ An ninh quốc gia . . . ". Theo đề
nghị của Beria, Trung ương Đảng ra nghị quyết cấm mang ảnh lãnh tụ - kể
cả còn sống hay đã chết - trong các cuộc tuần hành quần chúng. Hai tháng
sau ( lúc đó Beria đã bị bắt), Trung ương Đảng lại huỷ bỏ Nghị quyết đó,
bởi vì quần chúng đi tuần hành mà không mang cờ và ảnh các vị lãnh đạo
thì mang gì?
Trong mấy tháng năm 1953, Beria đã biến Bộ Nội vụ thành một trung
tâm quyền lực. Nhưng đồng thời cũng giải phóng Bộ Nội vụ khỏi hoạt
động kinh tế - sản xuất, phân phát cho các bộ ngành toàn bộ cơ ngơi xây
dựng và công nghiệp của Bộ Nội vụ đã từng sử dụng lao động tù nhân. Ông
giao cho Bộ Tư pháp toàn bộ tù nhân trong các trại cải tạo lao động (viết tắt
tiếng Nga là GULAG), chỉ giữ lại cho Bộ Nội vụ những trại và nhà tù đặc