vẫn giữ chức cho Patolichev thì Trung ương sẽ không phản đối. Thế là
những người vừa mới phê phán Patolichev lại biểu quyết tán thành ông ta.
Nhưng Khruschov cũng chỉ giữ Patolichev thêm được ba năm, sau đó
chuyển ông ta sang làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao rồi cho về hưu.
Người ta cho rằng việc bắt Beria là cái mốc đánh dấu việc mở đầu cuộc
đấu tranh chống tệ sùng bái cá nhân Stalin. Đấy là sau này Khruschov
tuyên bố như thế.
Còn lúc đó, vào năm 1953, đơn giản chỉ là cuộc đấu tranh giành quyền
lực. Các đồng chí trong Đảng tìm cách loại bỏ một nhân vật sừng sỏ và một
đối thủ đáng gờm.
Stalin gạt bỏ các ủy viên Bộ Chính trị một cách bài bản, từng bước: tập
hợp chứng cứ và lời khai đối với từng người, cho xem hồ sơ, tư liệu về các
ủy viên Bộ Chính trị khác và hỏi ý kiến. Sau đó vấn đề được đưa ra hội
nghị Trung ương. Đối tượng bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị, bị cách mọi chức
vụ, cuối cùng bị điều tra và bị bắt.
Với Beria thì họ không làm thế được. Họ không có gì để tố cáo Beria cả.
Đúng hơn, họ có thể cáo buộc Beria về mọi chuyện, nhưng là những
chuyện mà chính họ cũng dính vào.
Không có bằng chứng nào nói rằng Beria có ý định lật đổ ban lãnh đạo
Đảng, bắt tất cả các ủy viên Bộ Chính trị. Khruschov chỉ nói thế này:
- "Với một kẻ gian giảo như thế thì chỉ có thể hành động như vậy được
thôi các đồng chí ạ. Nếu chúng tôi bảo thẳng vào mặt hắn rằng hắn là con
người như thế nào, thì chắc chắn hắn đã nghiền nát chúng tôi. Hắn biết làm
điều đó lắm. Chúng tôi đã tính toán kỹ: nếu hắn mà biết được Trung ương
sẽ họp để bàn về hắn, thì có thể xảy ra là chúng ta đến phòng họp, mà lực
lượng của hắn đã bao vây khắp xung quanh rồi".
Khruschov, Malenkov và những người khác năm 1953 đó đã hành động
như dưới thời Stalin đã hành động: họ tóm luôn Beria, chẳng cần đầy đủ
chứng cứ, chẳng có lệnh bắt.
Trong năm năm cải tổ, các sĩ quan của Bộ Nội vụ có kể lại rằng năm
1953, một sư đoàn của Bộ Nội vụ đã được dồn về gần Matxcơva để chờ hễ
có lệnh của Beria là nhảy vào giúp Beria giành chính quyền.