Khi chiến tranh nổ ra, những người bị bắt giam vì những tội nhẹ về sinh
hoạt hay kỷ luật lao động được thả ra và cho đi bộ đội. Đó là gần một triệu
người, tức là 1/3 số người trong các trại cải tạo. Số tù nhân còn lại đã xây
dựng trong thời gian chiến tranh vài trăm sân bay, xây dựng và lắp đặt hàng
nghìn kilômét đường sắt và đường bộ, nhiều nhà máy, hầm mỏ, khai thác
mọi tài nguyên đất nước: từ dầu mỏ đến vàng. Do yêu cầu chiến tranh, Bộ
Nội vụ và Viện kiểm sát tối cao đã hai lần ra văn bản hướng dẫn về việc giữ
những tù nhân đã hết hạn ở lại trại lao động tiếp "trên cơ sở tự nguyện bắt
buộc" (từ dùng của Stalin). Sự khác biệt đối với họ là không bị giải đi thành
đoàn và được trả tiền bồi dưỡng.
Những người này đến năm 1946 mới được cho về nhà.
N.Baibakov - nguyên Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch Nhà nước, trong thời
gian chiến tranh là Bộ trưởng Công nghiệp dầu, kể lại rằng cuối chiến tranh
Stalin giao cho ông xây dựng nhà máy sản xuất dầu động cơ, và cắt cử cho
ông một lực lượng tù nhân để làm việc đó.
"Đấy là một lực lượng lao động rất cần cù và rất cơ động. - N.Baibakov
nói. - Những con người ở trong những lán trại và những ngôi nhà dựng
tạm, mà làm việc quanh năm, bất kể thời tiết mưa, nắng, bão, tuyết, mười
hai tiếng đồng hồ một ngày". Họ làm việc để đổi lấy sự sống, lấy khẩu phần
bổ sung và niềm hy vọng được về nhà sớm.
Ban đầu, trong các trại, những người tài, những kỹ sư, chuyên gia giỏi
cũng phải làm việc theo chế độ chung. Sức vóc yếu, lại không quen lao
động gian khổ, nên họ chết mất một số. Sau đó Bộ Nội vụ nghĩ ra rằng nếu
những người này được sử dụng chuyên môn để chế tạo ra máy móc kỹ
thuật mới, thì sẽ có cái để báo cáo thành tích. Thế là họ có chính sách khác
đối với những người này. Điển hình là câu chuyện về số phận của Sergei
Pavlovich Korolev - ông tổ của tên lửa vượt đại châu Liên Xô, vị Tổng
công trình sư đã đưa con người đầu tiên vào vũ trụ.
Nhà khoa học này năm 1938 bị kết án mười năm tù vì tội "tham gia hoạt
động chống chính quyền Xô viết".
Một số người có thế lực đã đứng ra can thiệp tha cho ông, trong đó có nữ
phi công, Anh hùng Liên Xô, Đại biểu Quốc hội Valentina Grizodubova.