ngực, ngẩng cao đầu - đến cả trong dáng đi ông cũng như sợ chiều cao của
mình lấn át người khác.
Thời Khruschov và sau đó Brejnev, người ta rất trọng dụng những người
viết diễn văn cho lãnh đạo - những cây bút. Để làm việc này, người ta sử
dụng những công chức có kiến thức uyên bác, có tài năng văn chương.
Chung quanh Andropov cũng không thiếu những người như thế. Chỉ có
điều, xét trên bình diện toàn xã hội, các diễn văn thì ngày càng hay, trong
khi thực tế thì cứ ngày càng chán.
Sau khi Brejnev trở thành Tổng Bí thư, hai người ở vị trí thứ hai trong
Ban Bí thư là Suslov và Kirilenko. Họ đấu đá nhau để giành vị trí kế cận
Brejnev. Điều đó khiến cho Andropov khổ sở khi phải xin ý kiến cả hai
người. Xin được ý kiến người này thì người kia cho ý kiến ngược lại. Khi
người này vắng mặt, người kia ở nhà chủ trì Ban Bí thư thì bác cách giải
quyết trước đó.
V.M.Falin - nguyên Bí thư Trung ương Đảng phụ trách đối ngoại,
nguyên Đại sứ Liên Xô ở Đức viết: "Về tri thức, Andropov hơn hẳn các
thành viên khác trong ban lãnh đạo. Nhưng trong khi ông còn đang ở vị trí
hạng hai, hạng ba, điều đó chỉ càng làm cho ông thêm khổ. Những kiến giải
hồ đồ, bộp chộp của một số vị lãnh đạo làm cho ông bị tổn thương, co lại
trong cái vỏ kín đáo của mình". Ngoài việc không tìm được tiếng nói chung
với nhà tư tưởng Suslov, Andropov cũng không được cảm tình của Kosygin
- nhà cải cách kinh tế, không vào nhóm với Shelepin, còn Kuusinen - người
đỡ đầu của ông thì mất năm 1964. Andropov hầu như đơn thương độc mã.
"KGB…KHÔNG PHẢI AI CŨNG LÀM ĐƯỢC"
(L.I.Brejnev)
Ngày 19/5/1967, Andropov được cử làm Chủ tịch KGB thay
Semichastnyi. Andropov chỉ được biết về quyết định này vào ngày hôm đó.
Người đề xuất và quyết định việc này là Brejnev, vì chức Chủ tịch KGB
vốn được coi là vị trí quan trọng, thuộc thẩm quyền quyết định riêng và
cuối cùng của Tổng Bí thư. Người ta cho rằng Brejnev cử Andropov nhận
công tác đó để đưa Andropov ra khỏi bộ máy Ban Bí thư để đỡ "gai" cho
Kosygin.