Cuộc đảo chính tháng 8/1991, trong đó Kriuchkov thử sức mình để xoay
chuyển tình thế đã thất bại. Trên đường từ Foros về Matxcơva, Kriuchkov
đã bị bắt. Khi chánh công tố Liên bang Nga Stepankov ở sân bay tuyên bố
điều đó, Kriuchkov nói: "Giờ thì ủy ban (tức KGB) cũng tan rã nốt".
Cuộc đảo chính đã làm thay đổi tâm lý xã hội. Những người trước đây
còn do dự thì nay đứng hẳn về phía chính quyền mới của B.Yeltsin để
mong có một cuộc sống bình yên, không có đảo chính và xáo trộn. Các
nước cộng hoà thì chạy khỏi Liên Xô, sợ rằng cuộc đảo chính như vậy
không phải là cuối cùng.
Tháng 1/1993, Toà quân sự của Toà án tối cao thay đổi hình thức xử lý
đối với các thành viên của Ủy ban tình trạng khẩn cấp: thả tất cả họ về nhà.
Tháng 5/1993, Viện công tố đề nghị giam giữ trở lại Kriuchkov, Lukianov
và Yanaev vì họ "lại bắt đầu hoạt động chính trị làm mất ổn định xã hội".
Bằng cớ là cuộc tuần hành quần chúng ngày 1 tháng Năm ở Matxcơva mà
họ tham gia đã kết thúc bằng một cuộc ẩu đả tại Quảng trường Đỏ. Nhưng
tất cả họ vẫn tại ngoại.
Phiên toà xử vụ này năm 1993 cũng không dẫn đến kết quả gì. Chủ toạ
phiên toà A.Ukolov cho rằng Chánh công tố V. Stepankov đã vi phạm luật
và đề nghị Xô viết tối cao chỉ định các công tố độc lập. Nhưng Xô viết tối
cao từ chối. Kriuchkov bị buộc tội "phản bội tổ quốc" (Điều 64) và "lạm
dụng chức quyền" (Điều 260 Bộ luật Hình sự Nga).
Nhưng Kriuchkov tự bào chữa rằng tháng 8/1991, ông thi hành phận sự
của mình với tư cách người lãnh đạo KGB Liên Xô trong việc bảo vệ toàn
vẹn lãnh thổ và an ninh Tổ quốc; hơn nữa KGB đã nhận được những thông
tin chính xác về một kế hoạch đang được chuẩn bị với sự hỗ trợ của nước
ngoài nhằm làm tan rã Liên Xô.
Tháng 2/1994, Duma quốc gia (Hạ viện Nga) mới thông qua luật ân xá
cho Kriuchkov và tất cả những người tham gia Ủy ban tình trạng khẩn cấp
năm 1991.
Trên danh nghĩa, đồng ý nhận ân xá tức là công nhận tội lỗi. Song trên
thực tế, Kriuchkov chưa bao giờ nhận mình có tội. Trái lại, thời gian càng
trôi qua, ông càng tự coi mình là anh hùng.