CHƯƠNG V
LAVRENTI PAVLOVICH BERIA
Dân uỷ Nội vụ (11/1938 - 12/1945)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ (5/3 - 26/6/1954)
Sự nghiệp chính trị của L.P.Beria bao gồm hai giai đoạn: ba mươi năm
dưới thời Stalin và ba tháng sau khi Stalin chết, mà cả hai giai đoạn đều
đậm đà, sâu sắc.
Nhưng về ba tháng sau khi Stalin chết, chúng ta sẽ nói đến ở chương sau,
đó đã là một thời đại khác. Trong tất cả các Chủ tịch KGB, có hai người
cho đến nay vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm nghiên cứu và gây nhiều tranh
luận. Đó là Beria và Andropov. Đây là hai nhân cách đa dạng, hai nhà hoạt
động chính trị đa tài đa diện và phức tạp, trong khi các Chủ tịch KGB khác,
trước và sau họ nói chung là những nhân vật đơn tuyến.
Mặc dù được rất ít người ngưỡng mộ so với Andropov, song phải nói
rằng những năm gần đây, Beria thu hút được thêm công chúng, hay chí ít
cũng được nhìn nhận nhiều hơn như là một nhà chính trị có tài, chứ không
phải chỉ là con quỷ khát máu như vẫn thường được mô tả.
Lavrenti Beria sinh ngày 29/3/1899 trong một gia đình nông dân ở
Xukhumi, cũng như Stalin, là người Gruzia. Ông học giỏi, nhiều tài, yêu
nhạc và am hiểu kiến trúc. Nhưng giữa một thời buổi sôi sục những biến
động, ông đã đi theo cách mạng, vào Đảng năm 1917, hoạt động bí mật và
làm đến Phó Chủ tịch ủy ban đặc biệt (cơ quan an ninh), rồi Bí thư thứ nhất
Đảng bộ ngoại Cápcadơ bao gồm ba nước Azerbaijan, Gruzia và Armenia.
Beria nổi tiếng với Trung ương nhờ bài báo sau này in thành sách nhan đề
bàn về "Lịch sử các tổ chức Đảng ngoại Kavkaz", trong đó ca ngợi công
lao Stalin đối với phong trào cách mạng Capcadơ. Nhưng đó chỉ là một
phần, vì ca ngợi Stalin thì có nhiều người, còn Stalin - nhà lãnh đạo dày
dạn kinh nghiệm, đánh giá Beria ở trí thông minh và tài năng tổ chức hoàn