trong một cuộc đời, đã nhìn thấy toàn bộ những hy vọng của mình tan
thành mây khói, và toàn bộ công danh, sự nghiệp của mình ra tro.
Khi Lênin còn sống, Trôtski đứng ở hàng thứ hai trong Đảng và được
xem là có thể thay thế Lênin. Trong khi đó Stalin cũng ngày càng tăng
được trọng lượng chính trị và càng ngày càng tin rằng chính ông cần phải là
người lãnh đạo Đảng và đất nước sau khi Lênin ra đi. Vì lẽ đó, Stalin bực
bội thấy mọi người tiếp tục ngưỡng mộ công lao cách mạng và tài năng
quân sự, tài năng hùng biện của Lev Trôtski.
Trôtski đã đóng vai trò quan trọng cùng các nhà cách mạng thế hệ đầu
trong việc giành chính quyền vào tay những người Bônsêvích trong cách
mạng tháng Mười năm 1917. Tên tuổi ông nổi bật. Ông là nhà hùng biện có
tài. Bản thân Trôtski từng mơ ước trở thành nhà văn hoặc nhà báo. Nhưng
cách mạng thành công, và ông trở thành một trong những nhân vật chủ chốt
của bộ tham mưu của cách mạng. Khi Lênin thành lập chính phủ, định giao
cho ông làm Dân ủy Nội vụ, nhưng ông không nhận. Sverdlov đề xuất:
"Thế thì giao cho ông ấy phụ trách ngoại giao" (vì Trôtski có học thức, biết
ngoại ngữ, sống ở nước ngoài nhiều). Lênin bảo: "Lúc này thì ngoại giao có
việc gì mấy!", nhưng cũng đồng ý.
Lênin nói đúng. Trôtski nhận chức Dân ủy Ngoại giao, nhưng vẫn bận
chủ yếu công việc ở Hội đồng quân sự cách mạng và Hội đồng cách mạng
Petrograd.
- Ta sẽ ban bố mấy sắc lệnh và lời kêu gọi nhân dân thế giới, công bố các
hiệp định bí mật bất bình đẳng của Sa hoàng và rồi đóng cửa tiệm. - Trôtski
nói.
Tất nhiên là Trôtski nói đùa, nhưng quả thật thời gian đầu sau khi cách
mạng tháng Mười thành công, ngoại giao có vẻ là lĩnh vực không thiết thực
đối với người cách mạng: ngoại giao gì khi mà vấn đề là làm thế nào để
thúc đẩy tiến trình cách mạng thế giới! Bản thân Trôtski ngày đầu tiên đến
nhận công tác ở Bộ Ngoại giao, tuyên bố trước cán bộ, nhân viên một câu
"xanh rờn":
- Giai cấp vô sản thế giới không cần đến ngoại giao. Nhân dân lao động
các nước sẽ tự hiểu nhau.