giao dịch quan trọng trên quy mô toàn cầu, chẳng hạn như phát hành các hóa
đơn thương mại quốc tế, tập hợp các ngân hàng cấp tín dụng quốc tế, giải
cứu ngân hàng và giải quyết cán cân thanh toán, thì SDR sẽ là đồng tiền mới
của thế giới và đồng đô-la chỉ là phụ trợ, vì nhóm G20 phán quyết rằng đô-la
bị phá giá định kỳ và cần được thu nhỏ lại trong giỏ tiền tệ.
Ngoài việc chỉ đạo phát hành tiền SDR, IMF còn gia tăng khả năng đi vay
bằng SDR của mình lên hơn gấp đôi, từ mức khoảng $250 tỷ (quy đổi tương
đương) thời trước khủng hoảng lên đến $580 tỷ tính đến tháng 3/2011. Sự
gia tăng vay nợ này được thực thi thông qua các khoản tín dụng từ các quốc
gia thành viên IMF cấp cho IMF, đổi lại là sự phát hành tiền SDR. Dạng
thức đi vay này đã được thiết kế để giúp IMF có năng lực cho vay đối với
những thành viên của nó trong giai đoạn khó khăn. Hiện nay thì IMF được
đặt trong vị thế để thực thi 2 chức năng then chốt của một ngân hàng trung
ương thứ thiệt – tạo ra tiền và người cho vay cuối cùng – sử dụng đồng SDR
như hình thức tiền tệ theo chỉ đạo của “Ban Thống đốc” là nhóm G20. Tầm
nhìn của những người sáng tạo nên đồng SDR vào năm 1969 đến nay đã
thành hiện thực tại quy mô lớn hơn mong đợi nhiều lần. Thời khắc xuất hiện
một ngân hàng trung ương toàn cầu đã đến thực sự.
Ngay cả khi đã mở rộng số lượng phát hành và khả năng đi vay, đồng
SDR vẫn chưa thể đủ sức thay thế cho đồng đô-la trong vai trò tiền tệ mạnh
trong dự trữ quốc tế. Để đồng SDR thành công trong quá trình phát triển
thành loại tiền tệ dự trữ, những ai cầm nắm SDR sẽ đòi hỏi một tập hợp rộng
lớn các tài sản có thanh khoản cao, có thể được đầu tư với nhiều thời gian
đáo hạn khác nhau; sao cho họ có thể đầu tư bằng khoản tiền dự trữ để thu
lợi nhuận và lưu trữ giá trị. Việc này đòi hỏi phải có thị trường trái phiếu
SDR với các công cụ tài chính công và tư, một mạng lưới các trung gian sơ
cấp và các công cụ phái sinh để cấp thanh khoản và đòn bẩy. Các thị trường
như thế này có thể nổi lên sau khoảng thời gian dài, tuy nhiên nhóm G20 và
IMF chẳng còn nhiều thời gian bởi vì các nguồn thanh khoản khác đều cạn
kiệt. Tới năm 2011, Fed đã đối mặt với giới hạn năng lực cấp thanh khoản
toàn cầu. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng đảm nhận
vai trò tiền tệ dự trữ. Đồng Euro có các vấn đề nội tại, phát xuất từ khủng