Các nhu cầu
Đứa trẻ mong muốn có được trò chơi mới tiêu biểu cho hoạt động của
một nhu cầu trong học thuyết Lewin. Về cơ bản, một nhu cầu là một động
cơ tương đương với thuật ngữ bản năng (của động lực tâm lý), và thuật ngữ
xung năng (trong lý thuyết học tập). Đối với Lewin, một nhu cầu xảy ra
trong một vùng cá nhân nội tại và có thể là một nhu cầu sinh lý không qua
học tập (như đói hay khát) hoặc một nhu cầu được học tập (như đứa trẻ
mong muốn một đồ chơi mới). Tuy nhiên, Lewin cảm thấy đa số các nhu
cầu quan trọng chi phối hành vi con người dễ bị các quá trình học tập và
bản chất thuộc xã hội ảnh hưởng.
Ngoài việc gợi ý sự phân hóa rộng rãi giữa các nhu cầu sinh lý và học
tập, Lewin cố gắng không phân loại hay lập danh sách các nhu cầu cụ thể.
Dĩ nhiên, điều này phù hợp với quan điểm của ông cho rằng không mong
muốn giới hạn lý thuyết về nhu cầu trong một số kiểu hay một số loại cụ
thể, vì hạn chế này có chiều hướng kiềm chế việc điều tra nghiên cứu về
các nhu cầu và cản trở việc tiến tới hiểu biết đầy đủ về động cơ thúc đẩy.
Tóm lại, bằng cách phát triển các danh sách nhu cầu, ông phân biệt giữa
các nhu cầu và cái giống như nhu cầu. Một nhu cầu bao hàm tình trạng
riêng biệt của một vùng cá nhân nội tại thuộc nhân cách; cái giống như nhu
cầu bao hàm một ý định được điều khiển để thỏa mãn một nhu cầu theo
cách riêng biệt. Do đó, khát có thể phát sinh như là một nhu cầu, trong khi
ước muốn thỏa mãn cái khát này bằng một thức uống cụ thể kiếm được từ
cửa hàng, quán bar hay nhà hàng riêng biệt là cái giống như nhu cầu.
Khi một nhu cầu được đánh thức, nó tạo nên tình trạng lực căng trong
một vùng cá nhân nội tại. Chính lực căng này tạo thành lực đẩy, thúc đẩy
hành động của cá nhân.