Xung đột nội tâm
Như chúng ta đã thấy, ba cấu trúc tinh thần không hoạt động đơn lẻ mà
liên tục tương tác lẫn nhau. Vậy bản chất của sự tương tác là gì? Câu trả lời
của Freud là xung đột nội tâm, một biểu lộ rõ nét về sự đối kháng giữa ba
cấu trúc này. Xung động bản năng nỗ lực theo một cách liên tục và tự phát
để thỏa mãn những ham muốn của nó. Nhưng để đạt được điều đó, nó phải
chiến đấu với thực tế, với tính hợp lý của bản ngã và tính đạo lý của siêu
ngã. Có lẽ, cần nhấn mạnh rằng, sự xung đột nội tâm này là đặc tính của
nhân cách bình thường, dù một số khía cạnh của xung đột cũng có thể là
nguyên nhân cho việc phát triển chứng loạn thần kinh. Xem một ví dụ của
xung đột, chú ý đến sự tuần tự: cái đói tạo sức ép trong xung động bản
năng, mong muốn tìm kiếm ngay lập tức nguồn tiếp viện qua nguyên lý
thỏa mãn. Bản ngã trì hoãn việc ăn (ngăn chặn biểu hiện bản năng) cho đến
khi có đối tượng thức ăn thích hợp được định vị. Siêu ngã có thể bắt phải
chịu đựng sự trì hoãn xa hơn bằng việc ức chế theo những điều kiện cần
thiết nào đó (ví dụ như thức ăn không chứa nhiều năng lượng, không ăn thịt
heo, không ăn cá vào thứ sáu, không trộm cắp thức ăn). Sự xung đột giữa
xung động bản năng và những cấu trúc khác có thể được giải quyết khi một
đối tượng thích hợp được định vị và được tiêu thụ. Tuy nhiên, nhiều xung
đột nghiêm trọng hơn có thể trở thành một phần diễn tiến của nhân cách
bản năng.