các mối quan hệ tương tác trong việc tạo
ra những chất khác, thì các khái niệm
vật lý biểu đạt ngày càng nhiều về
những mối quan hệ vận động; khái niệm
toán học, về các chức năng của sự phụ
thuộc và trật tự của nhóm; khái niệm
sinh học, về những mối quan hệ phân
biệt nguồn gốc các loài, chịu ảnh hưởng
từ sự thay đổi các điều kiện môi trường
khác nhau; và cứ như thế trên khắp địa
hạt của khoa học. Tóm lại, những quan
niệm của chúng ta đạt tới điểm cực đại
về tính cá biệt và tính khái quát (hoặc
tính ứng dụng) xác định trong phạm vi
chúng cho thấy các sự vật lệ thuộc vào
nhau hay ảnh hưởng, tác động tới nhau
ra sao, thay vì biểu đạt các thuộc tính mà
các đối tượng chiếm giữ trong sự bất
động. Lý tưởng về một hệ thống khái
niệm khoa học là đạt tới sự chuyển tiếp
liền mạch, tự do và linh hoạt khi dịch
chuyển từ bất kỳ sự việc và ý nghĩa nào
sang nhau; đòi hỏi này được đáp ứng
trong chừng mực chúng ta kiểm soát
được những mối liên hệ năng động vốn
liên kết các sự vật lại với nhau trong một
quá trình liên tục biến đổi – một nguyên
lý cho cái nhìn thấu suốt vào trong
phương thức sản sinh hoặc tăng trưởng.