3. TÔI CÓ THỂ ĐI BAO XA?
Mỗi lần đi du lịch ở thủ đô Washington, D.C., tôi đều đến Viện
Smithsonian. Tôi rất thích tìm hiểu về lịch sử, đặc biệt là lịch sử của Hoa
Kỳ và những đồ khảo cổ được trưng bày tại đây.
Trong số các hiện vật được trưng bày, tôi thích nhất đoạn băng ghi lại bài
diễn thuyết của Tổng thống John F. Kennedy trước Quốc hội Hoa Kỳ ngày
25 tháng 5 năm 1961. Cứ mỗi lần xem đoạn băng ấy, tôi lại cảm thấy rất
xúc động. Đoạn băng ghi lại thời điểm Tổng thống Kennedy kêu gọi nước
Mỹ thực hiện cuộc một cuộc hành trình khó tin và lạ thường vượt ngoài sức
tưởng tượng. Kennedy đã nói: “Tôi mong rằng, người Mỹ chúng ta sẽ cam
kết đạt được mục tiêu đưa con người lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn
ngay trong thập kỷ này.” Ý tưởng đưa con người lên mặt trăng đã xuất hiện
từ năm 160 sau công nguyên bởi một nhà thơ trào phúng người Hy Lạp tên
là Lucian của vùng Samosata − ý tưởng đó mang tầm vượt trước thời đại
1.800 năm.
Với sự phổ biến của tiểu thuyết khoa học ngày nay, việc du hành lên mặt
trăng trở thành một điều rất bình thường. Trong phim ảnh, bạn có thể thấy
con người sống trong vũ trụ và đi du lịch khắp thiên hà mỗi ngày trong
tuần. Nhưng tại thời điểm năm 1961, điều đó là một mục tiêu ảo tưởng nhất
mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Ngày nay, điều đó cũng chỉ giống
như việc một người đặt mục tiêu bơi qua Thái Bình Dương, từ California
đến Nhật Bản sau đó bơi trở lại.
Trở lại thời điểm cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, Mỹ chạy
đua với Liên bang Xô Viết trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và bị tụt lại
phía sau. Khi tôi 10 tuổi, thì Liên bang Xô Viết đã phóng thành công vệ
tinh Sputnik I lên quỹ đạo. Ngay sau đó, họ tiếp tục phóng vệ tinh Sputnik
II mang theo phi hành gia đầu tiên là chú chó Laika. Năm 1959, họ lại đưa
tàu vũ trụ đầu tiên Luna I lên mặt trăng. Họ cũng đưa được người đầu tiên
vào vũ trụ và một trong những con tàu của họ đã bay xung quanh trái đất.
Họ đã trở thành người chiến thắng.