bóng? Có thể vì dự đoán ấy gần với sự thật hơn cả chăng.
Cũng cần biết rằng việc giết Pích-le sẽ được trả bao nhiêu, và ai đã
nhận món tiền ấy. Ôi, giá như tìm ra được cái khuy áo rủi ro kia! Không
biết công việc của Ơ-bla-sếch đến đâu rồi? Cũng nên báo cho cậu ấy biết
các kết quả ở chỗ mình đã đạt được. Việc ấy cũng lại dành đến mình phải
làm thôi!
Ca-bi-sếch xuống phòng ăn để kiếm chút gì ăn sáng. Tôi thì đau đầu
ghê gớm. Tôi mở cửa sổ trong ra phía quảng trường Vát-xlát. Đã tám giờ -
quảng trường ồn ào, những người đi làm muộn đang chen chúc lên xe, gió
thổi phần phật vào váy áo của các cô gái. Tàu điện đông thật.
- Cậu ra đây, có bánh sừng bò quệt bơ và nước hoa quả với nước chè
cho cậu đấy. - Ca-bi-sếch bước vào rất khẽ, đến nỗi tôi không nghe thấy
tiếng động. - Hãy quên công việc đi và nghỉ một chút đã. Các cầu thủ đang
ăn sáng, đến chín giờ chúng ta sẽ tới chỗ họ… - Anh im lặng, sau đó nói
thêm - Các nhà báo đã chờ trong phòng khánh tiết. Giám đốc khách sạn nói
rằng hôm nay sẽ còn khoảng hai chục nhà báo tới đây nữa. Đa số là người
Đức, ba người Pháp, một Thụy Sĩ và một phóng viên hãng Roi-tơ thường
trú ở Béc-lin. Họ đều thuê phòng ở khách sạn “Các-lơ-tôn”. Mình nghĩ rằng
sẽ không ai trong số họ chịu rời khỏi chỗ, nếu chưa biết nguyên nhân và thủ
phạm vụ giết Pích-le. Đó là “cần câu cơm” của họ mà - những tin giật gân,
những vụ bê bối, chuyện giết người… Cậu có thể tưởng tượng được
không?! Sẽ có cả một cái tít to tướng chạy dài suốt trang báo: “Chết trên
chấm phạt đền”. Tin ấy ai mà chẳng phải đọc, ngay cả những người chưa
bao giờ đi xem đá bóng. “Vụ giết người ngay ở vạch mười một mét”. “Bọn
Tiệp Khắc đã giở trò khủng bố Phơ-răng Pích-le”. “Thủ tướng đã gửi công
hàm cho Pra-ha”, “Đu-cơ-la - bọn giết người”, vân vân và vân vân… Trời
mà biết được còn những gì nữa. Có thể trên báo còn đưa rõ cả tên tuổi cậu
nữa. Rồi chúng mình cũng hóa thành nổi tiếng cho mà xem!.
- Thôi, cậu hãy ăn đi và xin hãy chấm dứt chuyện ba hoa đi.
Ca-bi-sếch phết bơ vào bánh sừng bò rồi lại tiếp tục: