còn ai nữa... Mẹ sẽ cô độc một mình. Mẹ sẽ phải làm gì? Con không muốn
như thế chứ, hả con?”
Nhưng Mary Beth, bị kích thích bởi chất adrenaline vốn vẫn luôn luôn
kích thích các nhà thám hiểm và các khoa học gia, đã gói ghém những cái
chổi, những cái lọ và túi đựng các thứ thu thập được, cùng với xẻng làm
vườn, rồi buổi sáng hôm qua, trong bầu không khí nóng nực, vàng vọt, ẩm
ướt, đã xuất phát để tiếp tục thực hiện công việc khảo cổ.
Và đã xảy ra chuyện gì? Mary Beth đã bị Thằng Bọ tấn công, bắt cóc.
Mẹ cô đã dự đoán đúng.
Bây giờ, ngồi trong ngôi nhà gỗ gớm ghiếc, nóng nực này, phải chịu
đựng cảm giác đau đớn, nôn nao, nửa như mê sảng, cô nghĩ về mẹ. Chồng
chết vì bị ung thư sau một thời gian ốm yếu hao mòn, cuộc sống của người
phụ nữ này đang tan vỡ. Bà đã từ bỏ bạn bè, công việc tình nguyện tại bệnh
viện, mọi vẻ bề ngoài của lề thói và trạng thái bình thường. Mary Beth thấy
mình bắt đầu đảm nhiệm vai trò cha mẹ, trong khi mẹ cô thì trượt vào thế
giới xem ti vi ban ngày và ăn vặt. Béo lùn, không cảm xúc, lúc nào cũng
thèm thuồng, bà chẳng khác nào một đứa trẻ đáng thương.
Nhưng một trong những điều người cha từng dạy Mary Beth - bằng cả
cuộc đời ông lẫn cái chết khó nhọc - là người ta luôn luôn làm cái mà người
ta đã được định hướng và không thay đổi con đường đi vì bất cứ ai. Mary
Beth không bỏ học để nhận một công việc gần nhà như mẹ cô nài nỉ. Cô cân
bằng nhu cầu được nương tựa của mẹ với các nhu cầu của chính bản thân cô
- lấy bằng cử nhân và sang năm, khi học xong, sẽ tìm kiếm một công việc
để có thể thực hiện những nghiên cứu điền dã về nhân chủng học Mỹ. Nếu
được gần nhà thì tốt. Nhưng nếu phải tiến hành khai quật về người da đỏ ở
Santa Fe, về người Eskimo ở Alaska, hay về người Mỹ gốc Phi ở
Manhattan, cô cũng sẽ đi mà không ngần ngại. Cô sẽ luôn luôn ở bên cạnh
mẹ khi cần thiết, nhưng cô còn có cả cuộc đời của chính bản thân cô trước
mắt.
Trừ lúc này đây, đáng lẽ cô đang phải đào bới và thu thập thêm chứng cứ
tại Bến tàu kênh Nước đen, tham khảo ý kiến của giáo viên hướng dẫn luận