Khẳng định hậu thức
Với những người rối mù trong vô vọng giữa ngựa và xe thồ, khẳng định
hậu thức là một ngụy biện xuất hiện rất tự nhiên. Đây là một rủi ro cho
những người chọn phương pháp lập luận có điều kiện, ngụy biện này không
thể nhận ra rằng có nhiều hơn một cách để giết mèo.
Những con mèo sẽ chết khi bị loài nhím Âu mắc bệnh dại cắn. Con mèo
này chết, hiển nhiên con nhím Âu là thủ phạm.
(Trước khi đóng nắp chiếc quan tài cho con mèo của bạn, hãy nhớ rằng con
mèo quá cố đó có thể bị điện giật chết, bị siết cổ chết, bị mổ bụng hay bị xe
cán. Có khả năng chính con nhím Âu đã giết con mèo nhưng chúng ta
không thể xem nó là nguyên nhân duy nhất.)
Người đưa ra lập luận đã trộn lẫn tiên đề với hậu thức. Trong cấu trúc
“Nếu….thì”, “nếu” là tiên đề và “thì” là hậu thức. Không sai khi khẳng
định tiên đề để chứng minh hậu thức, nhưng không thể làm ngược lại.
Nếu tôi làm rơi một quả trứng, nó sẽ vỡ. Tôi làm rơi một quả trứng, vì thế
nó vỡ.
(Đây là một lập luận hoàn toàn hợp lý. Nó được gọi là lý luận diễn dịch
(modus ponen) mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày. Hãy so sánh ví dụ trên
với phiên bản dưới đây.)
Nếu tôi làm rơi một quả trứng, nó sẽ vỡ. Quả trứng này vỡ, do đó tôi đã
làm rơi.
(Đây là một ngụy biện khẳng định hậu thức. Có thể có rất nhiều khả năng
khác dẫn đến việc trứng bị vỡ như có thứ gì đó rơi trúng nó, ai đó khác làm
rơi nó hay con gà con chui từ quả trứng ra…)