Ngụy biện này phát huy tác dụng rất tốt ở nghị viện vì những nhóm phản
biện bắt buộc phải phản bác cái gì đó. “Đổ lỗi kiểu Thatcher” cho phép
chúng phản đối bất cứ điều gì chính phủ quyết định thực hiện bất chấp kết
quả ra sao. Do đó, bất kỳ thứ gì được thực hiện nhanh chóng được xem là
“vội vã một cách bất cẩn” trong khi những giải pháp cần thời gian được
xem như “những trì hoãn không thể chấp nhận được”.
Ngụy biện này giả vờ rằng phán quyết được đưa ra dựa trên kết quả, trong
khi phán quyết tiêu cực đó được áp dụng lên bất kỳ kết quả nào. Nó thường
xuyên xuất hiện trên những tờ báo lá cải ở Anh, nơi mỗi khi một người nổi
tiếng nào không còn được ưa chuộng, thì dường như bất kỳ hành động nào
của họ cũng đáng bị lên án. Vì mục tiêu là hạ nhục đối phương, ngụy biện
này không đưa ra phán quyết nào về đạo đức hay giá trị của hành động cả.
Tôi được mời đến một buổi lễ rửa tội, nhưng tôi chắc rằng họ sẽ trao cho
đứa trẻ một cái tên kỳ quái, cái tên đó sẽ khiến mọi người cười nhạo nó.
Hoặc là cái tên đó hoặc là một cái tên phổ biến chán ngắt không thể tưởng
sẽ khiến đứa trẻ trở thành một kẻ tuân thủ vô vị.
Ngụy biện này rất dễ sử dụng vì nó câu kéo bản năng thích nghe cái xấu về
người khác hơn là cái tốt. Rốt cuộc thì, những cuộc trò chuyện phiếm
không đi vòng vo để khen ngợi những hành động đúng đắn của người khác.
Để sử dụng hiệu quả ngụy biện này, bạn phải chất đầy khinh miệt lên một
hành động được đề xuất nào đó, bằng cách tiên đoán một kết quả bất lợi.
Khi đó bạn giới thiệu một kết quả thay thế với những từ như “Và thậm chí
nếu…” Cách này cho phép bạn dự đoán những kết quả thảm khốc hơn.
Người nghe sẽ không thể phát hiện ra rằng giống như trong ngụy biện này,
bạn đã bao quát tất cả những trường hợp có thể tưởng tượng được.