Mạnh tử nói: “Sự khác biệt giữa con người với cầm thú rất ít, nên kẻ tầm
thường [dễ dàng] đánh mất, người quân tử thì luôn giữ được.”
Chỗ khác biệt rất ít đó, nếu đánh mất đi thì bản thể con người ắt cũng đồng
như cầm thú. Nếu đã đồng như cầm thú, thì hình thể dáng vẻ ắt cũng hướng
theo tinh thần mà thay đổi. Nếu sức mạnh hướng theo đó thật mãnh liệt thì sẽ
làm thay đổi hình thể ngay trong đời này, nếu yếu ớt không thúc bách thì sẽ
thay đổi sau khi chết [sinh vào đời khác]. Chậm hay nhanh có khác biệt nhau,
nhưng xét đến cùng vẫn theo cùng một lý ấy.
Như Họa Sư hóa làm ngựa, Cận Thượng hóa mãng xà, đó là sự thay đổi sau
khi chết [sinh vào đời khác]. Phong Thiệu hóa cọp, Minh Sâm hóa rắn, đó là
sự thay đổi ngay trong đời này.
Sự biến hình của Minh Sâm với Họa Sư là theo cùng một nguyên lý. Họa Sư
do lúc đưa ngọn bút vẽ, dồn hết tinh thần vào hình thể ngựa quý, còn Minh
Sâm do khi lập thành luận thuyết, để cả tâm tưởng vào hình dạng uyển chuyển
của rắn. Tinh thần đã hướng về nơi đâu ắt hình thể cũng tùy theo đó; tâm
tưởng đã hình thành ắt tự ngã phải đổi thay, do đó mà hóa thành ngựa, thành
rắn. Nhưng sự biến hóa nhanh chóng hay chậm chạp thọ hình ắt do nơi [sức
mạnh của tâm ý] mãnh liệt hay yếu ớt.
Sự hóa hình của Phong Thiệu với Cận Thượng là cùng một lý. Phong Thiệu
hung bạo, tính cách giống như loài cọp; Cận Thượng trong lòng độc ác oán
hận, chỗ hướng tâm giống như loài mãng xà. Tính cách giống nhau ắt hình thể
phù hợp như nhau, hướng tâm như nhau thì hình dáng phải giống nhau, do đó
mà hóa hình giống cọp, giống mãng xà. Nhưng sự biến hóa nhanh chóng hay
chậm chạp thọ hình lại cũng do nơi [sức mạnh của tâm ý] mãnh liệt hay yếu
ớt.