Khi những người thừa hành chống đối các nhà lãnh đạo bạo lực
theo cách có đạo đức ngay khi những nhà lãnh đạo này vẫn còn dễ bị
tác động, họ sẽ có một cơ hội để chặn trước các tình huống trở nên
tuyệt vọng đến nỗi họ phải ấp ủ việc chống lại bạo lực bằng bạo
lực.
HÀNH VI XẤU XA
Bất kỳ hành vi nào cũng rơi vào một vùng nào đó trong chuỗi
phân bố cường độ của loại hoạt động đó. Hầu hết mọi người đều
tốt hay xấu ở mức “trung bình”, một số nổi bật ở một trong hai xu
hướng, và một số ít là thánh thiện hoặc tàn ác. Bởi vì chúng ta hiếm
khi gặp phải hành vi cực đoan như vậy, nên chúng ta có thể không để
ý. Trong phạm vi thiện-ác, việc không để ý sẽ đặt chúng ta vào mối
nguy hiểm rất lớn. Hành vi cực kỳ xấu xa hiếm khi tồn tại, nhưng
nếu không được nhận diện và xử lý thì nó sẽ gây ra đau khổ lớn.
Những hành động xấu không có chỗ cho sự đồng cảm với những
thiệt hại gây ra cho người khác. Chúng chỉ quan tâm đến những gì
mà thủ phạm có được từ hành động đó, về mặt vật chất và tinh
thần. Đã có nhiều nỗ lực nhằm giải thích nguồn gốc của sự xấu
xa, nhưng so với các nền văn hóa cổ xưa, chúng ta dường như cũng
không đến được gần hơn với việc tìm hiểu hoặc xóa bỏ nguồn gốc
của nó. Tuy nhiên, chúng ta có thể quan sát các biểu hiện của cái ác và
hành động để ngăn chặn sự tiến triển của nó. Một nhà lãnh đạo tự
cho phép mình hành động thờ ơ trước những thiệt hại mà người khác
phải gánh chịu đang ở trên một quỹ đạo hướng tới hành vi xấu xa.
Các nhà lãnh đạo cam kết với hành động xấu thường đeo mặt nạ
khi đứng trước toàn thể công chúng, cho đến khi họ tích lũy đủ
quyền lực để phô bày hành vi này mà không bị trừng phạt. Vì vậy,
đấu tranh với cái ác cũng là như là chiến đấu với hỏa hoạn.