được linh thần âm phù mặc trợ cho, khiến người người đều cảm khích xưng
tụng ân đức.
Lại một điều đáng kể, có liên quan với ông Nguyễn Văn Nga, người đã
hiến đất xây cất đình thần. Như chúng tôi đã thuật trong bài « Câu chuyện
ông thầy Trung », tương truyền ông Nguyễn Văn Nga vốn là rể của ông
thầy Trung, nên đã được truyền cho nhiều pháp thuật nhiệm mầu. Khi ngôi
đình đầu tiên thiết lập ở chợ Giữa, day mặt ra mé sông Cần Thơ. Gần đình
có cây da to, lâu ngày, nhánh gie vô đình. Tuy sợ mưa gió ngã, nhưng
không ai dám đốn. Quý vị có nhiệm vụ chăm nom đình thần, bèn cho mời
ông Nguyễn Văn Nga đến hỏi ý kiến, phải làm sao cho ổn ?
Ông Nga cười nói : « Dễ mà, để tôi liệu cho ».
Rồi không cần phải đốn cây vạt nhánh chi cả, ông Nga họa bùa thế nào
không rõ, ngọn đa ngả về mé khác. Những người đã chứng kiến chẳng khỏi
kinh ngạc, khâm phục.
Trước đình, dưới bờ sông Cần Thơ, có cặp cá hô rất to. Những ngày
lành tháng tốt, cặp cá nhởn nhơ bơi lượn trước đình. Người người đều trông
thấy, cho là vật của thần linh, nên quanh vùng không dám động chạm đến.
Một hôm nọ, có tên lái ghe động lòng tham, quăng chài kéo lên, đem ra chợ
Tham Tướng mà bán với giá khá cao. Người ta hay tin thì chuyện đã rồi, và
ai cũng có ý lo sợ cho tên lái ghe, khuyên y nên tạ tội với thần. Tên lái ghe
vẫn không tin, chẳng kiêng nể chi cả. Qua 24 giờ sau, gã bỗng ngã lăn ra
bất ngờ. Thấy thế, thiên hạ càng tăng lòng tin tưởng nơi vị linh thần.
Gần đây, dân chúng thêm chứng kiến lắm việc linh hiển lạ lùng của vị
thành hoàng bổn cảnh. Khoảng năm 1944, quân Pháp đang trên đà xuống
dốc. Quân Nhựt hoành hành. Một hôm, chiếc tàu Pháp mang tên Albert
Sarraut chạy trên sông Cần Thơ, ngang qua đình thần cũ, bị nhận chìm,
đánh dấu sự thảm hại của thực dân.