Trên bước đường lưu vong của chúa Nguyễn Ánh khi vào Nam, nếu
chẳng có sự dọn đường trước của Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tứ,
khiến nhân dân miền Nam đều đã sẵn có cảm tình với chúa Nguyễn, thì dễ
gì Nguyễn Ánh thu phục được nhân tâm đồng bào trong Nam, để đi đến sự
thắng lợi cuối cùng, thống nhất non sông. Đúng như lời ông Lê Ngọc Trụ và
Phạm Văn Luật ; trích quyển « Nguyễn Cư Trinh với quyển Sãi Vải »
« Trọn đời Ông (Nguyễn Cư Trinh) xứng đáng bậc khai quốc công
thần, giúp Võ Vương làm rạng ý nghĩa xưng « Vương », triều Võ Vương
được phồn thịnh lẫy lừng. Và sau nầy, khi Tây Sơn khởi nghĩa, sự nghiệp
của Ông ở trong Nam đã đào tạo nên những « Gia Định văn nhân võ tướng
» giúp được chúa Nguyễn Ánh dựng lại cơ đồ, thống nhất giang san lập nên
nghiệp cả. »
Cái chết của Mạc Thiên Tứ ở trên đất nước Xiêm cũng là một điều
kiện đã giúp chúa Nguyễn thêm được lực lượng quân đội Xiêm sẵn sàng tán
trợ cho sau nầy và dọn đường dễ dàng cho chúa Nguyễn và đám tòng thần
sang trú ngụ nơi Vọng-các. Vì có cái chết hào hùng của Mạc Thiên Tứ làm
xúc động được lòng vua Xiêm, giải được mọi nỗi bất hòa về trước. Vì có
cái chết của Mạc Thiên Tứ, các văn nhân võ tướng miền Nam bấy lâu hằng
chịu ảnh hưởng giáo hóa và tuyên truyền của họ Mạc, thêm thán phục hơn
về sự trung kiên của họ Mạc, mà không còn ngần ngại gì nữa, đứng vào
hàng ngũ ủng hộ chúa Nguyễn chống Tây Sơn quyết liệt.
Hơn nữa, cái chết dũng cảm oanh liệt của Mạc Tử Sanh nơi Cần Thơ –
trung tâm văn hóa của miền Tây lúc bấy giờ – đánh thức tiềm năng quật
khởi của toàn thể đồng bào miền Tây, tạo thành một lực lượng tinh thần
mạnh mẽ chống đối Tây Sơn, đi đôi với sự sẵn sàng cung hiến nhân tài vật
lực cho chúa Nguyễn. Bởi họ Mạc đã khéo chọn vùng đất Cần Thơ làm căn
cứ thứ hai sau Hà Tiên, nên Cần Thơ nhờ đó mà phảng phất có sắc thái đẹp
đẽ như bao công trình xây dựng của họ Mạc nơi Hà Tiên. Có thể nói sĩ khí
miền Tây chịu ảnh hưởng một phần lớn do họ Mạc un đúc nên. Sự phát