Chín suối có thiêng hồn Tổ quốc
Trăm năm còn tạc gánh tang bồng.
Đổi dời nghĩ gớm câu dâu bể,
Thổ lộ cùng ai chuyện núi sông.
Thôi để làm gương cho sắp bé,
Nghìn năm trong nước dấu anh hùng.
Chúng tôi tới tỉnh Cần Thơ, tìm đến thăm viếng bác sĩ Nguyễn Như
Giu là miêu duệ hai đời cụ Nguyễn Thần Hiến. Bác sĩ rất vui vẻ tánh bình
dân, không ngần ngại trình bày cho chúng tôi hiểu thêm cuộc đời cách
mạng của cụ Hiến, gặp lắm bước thăng trầm trên đường tranh đấu. Chính
bác sĩ Nguyễn Như Giu cũng chịu ảnh hưởng việc làm của cụ ít nhiều ; phải
trả một món nợ tinh thần : bị Pháp bắt giam tại Cần Thơ suốt 5 tháng, kết án
là con cháu nhà cách mạng, vì lúc ấy Bác sĩ không chịu đứng ra hợp tác với
Pháp, giữ đúng lời di chúc của nội tổ và phụ thân. Pháp tức giận, làm khó
dễ đủ thứ, nào là tịch biên gia sản v.v… Mặc dầu chúng đàn áp gắt gao,
nhưng không sao lay chuyển được tấm lòng cương trực, trái tim sắt thép của
kẻ thức thời, không phản lại những việc làm của tiền nhân.
Sau một thời gian mua chuộc Bác sĩ không được, chúng đành trả lại tự
do. Từ ấy đến nay, Bác sĩ vẫn mở phòng mạch phục vụ đồng bào, giữ được
câu thinh giá cho tổ tiên.
Nhìn vào gia cảnh của bác sĩ : một ngôi nhà ngói xưa thấp, bên trong
có nhiều đồ cổ, nào là bàn ghế đều chạm cẩn ốc xa cừ, trên bàn thờ có hình
cụ Nguyễn Thần Hiến và ông thân là Nguyễn Như Bích, một nhà cách
mạng đã từng theo chân cụ Cường Để.
Tuy Bác sĩ là người Tây học, hấp thụ nền văn hóa Tây phương, nhưng
trái lại có tinh thần tồn cổ, thích cái gì cổ kính ; từ trong nhà cho đến ngoài
sân đều giữ dáng nếp theo người xưa.