làm quan. Cũng bởi nhà cầm quyền có ý nghi ngờ ông từ lâu, toan buộc ông
vào vòng để dễ kiểm soát và để mua chuộc ông dần dần, nên mới cố ý, cố
tình cử ông làm Hội đồng. Ông cũng tự biết mình đã bị nghi ngờ, nên lúc ấy
mới đành nhận chịu cho qua. Kịp khi ông từ chức, ông càng hiểu hơn ai
rằng, từ nay, màng lưới trinh sát của nhà cầm quyền Pháp sẽ chực sẵn để
chụp lấy Ông, khi chúng đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng.
Biết như thế, nhứt cử nhứt động ông đều dè dặt, khôn khéo tránh né
mỗi khi bị hỏi săn hỏi đón. Một mặt ông sắp đặt cuộc xuất dương, vì liệu
trước phải cao bay xa chạy, mới mong làm được việc.
Đã quyết ý, ông chuẩn bị lên đường. Khoảng năm 1908, ông lén xuất
dương, sang Trung Hoa, Nhật Bản rồi sang Thái Lan (Xiêm). Thời kỳ lưu
trú ở Thái Lan, ông cùng với cụ Phan Bội Châu thuyết phục Thiệu Quảng
Thiền Sư tục gọi Thầy Rau, một đồng bào người Bến Tre tu hành ở Thái
Lan, khiến Thiệu Quảng Thiền Sư cảm khích, trở về nước quyên tiền giúp
du học sinh đang lâm cảnh chật vật ở Vọng Các. Xong việc này, ông lại
sang Trung Hoa.
Nặng lòng vì Tổ quốc, ông hy sinh chẳng quản ngại gì, gót chân bôn ba
hầu khắp, nhiệt thành làm tất cả mọi việc mà đồng chí tin cẩn giao cho. Lúc
nào ông cũng hăng say với nhiệm vụ.
Khi ngụ ở Hàng Châu, nhân mến một nữ chí sĩ Trung Hoa đã hăng hái
hoạt động cứu quốc trong năm Tân Hợi 1911, ông làm một bài thơ tặng :
Mưa Âu gió Mỹ tạt về Đông,
Lò tạo Hàng Châu đúc má hồng.
Hồ hải bốn phương rầy tới gái,
Cương thường riêng gánh chẳng cần chồng.
Thân hèn bao quản không nhà ở,
Chí cả toan đền có nước chung.
Son phấn như vầy đâu dễ kém,